Theo đó, Diversey hướng dẫn cho người dân địa phương quy trình ép lạnh không dùng đến điện, nước và chỉ mất dưới 10 phút để biến xà phòng đã qua sử dụng thành những bánh xà phòng mới. Nguồn nguyên liệu này sau đó sẽ được cung cấp cho những nơi thiếu xà phòng hoặc điều kiện vệ sinh còn hạn chế.
Sản phẩm tái chế (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ông Stefan Phang, Giám đốc khu vực kiêm Giám đốc Phát triển bền vững của Diversey chia sẻ: “Soap for Hope thành công nhờ sự tham gia trực tiếp của người dân và cộng đồng địa phương. Không chỉ giúp các đối tác trong việc tái chế các chất thải, thông qua Chương trình này, chúng tôi hy vọng góp phần tạo ra môi trường sạch hơn, trong lành hơn tại Việt Nam và chia sẻ giá trị cho cộng đồng.”
Tổng Giám đốc Meliá Hồ Tràm Beach Resort, ông Manuel Ferriol cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có 3 yếu tố tích cực ở Dự án này: Bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua việc giúp mọi người tiếp cận xà phòng miễn phí, giúp tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương và giảm đáng kể tác động của con người đến môi trường.
Từ khi Dự án Soap for Hope bắt đầu ở Việt Nam vào năm 2015, ước tính 80.000 kg xà phòng thải đã được tái chế thành hơn 660.000 bánh xà phòng, tặng cho trẻ em ở nhiều tỉnh thành như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Bình Định, Khánh Hòa, Hồ Chí Minh và Hòa Bình…
Trên quy mô toàn cầu, Soap for Hope đã có mặt tại 94 thành phố và 31 quốc gia cùng với 380 khách sạn đối tác. Đến nay, 1.401 tấn xà phòng đã qua sử dụng được tái chế thành 11,6 triệu bánh xà phòng và mỗi năm, hơn 590.000 người trong cộng đồng địa phương đã được hưởng lợi từ Chương trình này.
Phạm Văn Ngọc
Dẫn theo nguồn: http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=Chương-trình-tái-chế-xà-phòng-vì-sức-khỏe-cộng-đồng-51392