Hơn một thế kỷ qua, ngành khí tượng thủy văn (KTTV) không ngừng nỗ lực đưa ra những thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời, tư vấn chính xác giúp phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện đại hóa dự báo
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai có nguồn gốc KTTV, không thể phủ nhận trong hơn 100 năm hoạt động và phát triển, mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng những thế hệ nhà khoa học, cán bộ viên chức toàn ngành với nỗ lực không mệt mỏi và có nhiều cống hiến quan trọng cho đất nước.
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, năm 2018, cùng với sự chủ động phòng chống của các cấp chính quyền, nhân dân và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành KTTV đã góp phần làm giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017. Năm 2019, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ, biểu dương, ghi nhận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.
Các dự báo viên Đài Khí tượng Cao không đang ứng trực tại Trung tâm điều hành tác nghiệp KTTV. Ảnh: Việt Hùng |
Đặc biệt, với một quốc gia mà ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo như Việt Nam, nhu cầu về thông tin thời tiết và sự thay đổi mùa rất cần thiết. Vai trò của ngành KTTV lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, ngoài phục vụ phòng chống thiên tai, thông tin KTTV còn phục vụ cho các ngành kinh tế phát triển như: cung cấp thông tin phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi, thông tin cho ngành điện lên kế hoạch sản xuất điện tốt nhất; cung cấp thông tin KTTV trong vận hành, khai thác dịch vụ hàng không, hàng hải… Những đóng góp của ngành KTTV, góp phần tích cực cho sự phát triển và tăng trưởng của các ngành và lĩnh vực khác.
Theo GS.TS Trần Hồng Thái, cùng với sự phát triển đất nước, công tác dự báo KTTV cũng có những chuyển mình mạnh mẽ. Thời kỳ trước năm 2000, thời hạn dự báo bão mới chỉ đạt từ 18 giờ đến 24 giờ; thì từ năm 2000 trở lại đây, Việt Nam đã nâng thời hạn dự báo bão lên 5 ngày, đảm bảo độ tin cậy như các nước tiên tiến. Sự tiến bộ này có được nhờ vào sự phát triển công nghệ dự báo KTTV được thực hiện theo hướng mô hình hóa, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và dự báo hải văn.
Hệ thống mô hình dự báo hiện đại của thế giới như của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu… được cải tiến, phát triển cho phù hợp với Việt Nam trong dự báo thời tiết, dự báo bão, dự báo mưa lớn, dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, dự báo sóng biển và nước dâng do bão hay gió mùa.
Đáng chú ý, ngành KTTV đã triển khai dự báo thời tiết điểm chi tiết cho khoảng 600 điểm trên toàn quốc. Dự báo không khí lạnh, nắng nóng, khô hạn đạt yêu cầu của xã hội. Dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 24 – 48 giờ, khu vực Bắc Bộ trước 3 – 5 ngày đạt độ tin cậy.
Đón nhận “thách thức”
Dưới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng lớn, tần suất ngày càng cao khiến ngành KTTV đã, đang và sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức.
GS.TS Trần Hồng Thái phân tích, những năm gần đây, Việt Nam xảy ra hàng loạt loại hình thiên tai từ bão đến dông lốc, sét, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở, hạn hán… Đặc biệt, các hiện tượng rất hiếm gặp trước đây như bão chồng bão, lũ chồng lũ, các thiên tai xuất hiện đồng thời hoặc liên tiếp như động đất cùng mưa lũ, nước biển dâng cùng triều cường… ngày càng trở nên phổ biến. Các quy luật khí hậu đang dần bị phá vỡ gây khó khăn cho công tác cảnh báo, dự báo của ngành KTTV.
Bên cạnh đó, mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia tại một số vùng còn rất thưa, công tác xã hội hóa và kinh tế hóa ngành mới bước đầu được triển khai nên kết quả thu được còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho phát triển mạng lưới quan trắc, khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực dự báo… còn hạn hẹp; chưa tăng được nguồn thu để tái đầu tư cho ngân sách nhà nước và đầu phát triển ngành KTTV…
Mở rộng mạng lưới quan trắc KTTV, nâng tầm công tác dự báo |
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2030, chúng ta phải hoàn thành gần 10.000 trạm quan trắc khác nhau. Tuy vậy, đến nay chúng ta mới chỉ đạt được khoảng gần 30% so với mục tiêu. Mặt khác, các trạm quan trắc phân bố không đồng đều, chủ yếu là ở vùng đồng bằng, những nơi có địa hình, giao thông thuận tiện. Còn những vùng núi, vùng sâu vùng xa, nơi có thể xảy ra những thiên tai bất ngờ mạng lưới đo đạc lại rất thiếu.
Tăng cường năng lực dự báo là chìa khóa
Nhận thức rõ nét những khó khăn, thách thức, ngành KTTV đã xác định những nhiệm vụ chiến lược của nhiệm kỳ 2020 – 2025 là phải từng bước hiện đại, nâng cao năng lực dự báo đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội.
GS.TS Trần Hồng Thái nêu rõ, các thông tin dự báo KTTV và cảnh báo thiên tai KTTV đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò như kim chỉ nam trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội.
Điều đó đòi hỏi ngành KTTV cần thực hiện vấn đề cốt lõi là tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới, thực hiện dự báo tác động của các hiện tượng và thiên tai KTTV đến các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Bản tin dự báo thời tiết cần thể hiện chi tiết đến từng thành phố, thị xã trên toàn quốc.
Cùng với đó, cần đồng bộ và hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thời hạn cảnh báo và dự báo. Nâng cao năng suất lao động bằng cách tin học hóa và tự động hóa các quá trình tác nghiệp dự báo KTTV. Đổi mới tổ chức hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực tế trong công tác dự báo phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế – xã hội.
Muốn làm được như vậy, ngành phải đẩy mạnh đào tạo, tăng cường năng lực và trình độ các dự báo viên để tiếp thu và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới, hiện đại của các nước đi đầu trong lĩnh vực KTTV trên thế giới. Tăng cường hợp tác với các Bộ, ngành và địa phương để tích hợp hiệu quả các thông tin KTTV, làm rõ những tác động có thể có của các hiện tượng và thiên tai KTTV và xây dựng phương án dự báo tác động cho từng ngành, từng lĩnh vực chịu ảnh hưởng của thiên tai.
GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh, ngành KTTV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường năng lực cán bộ để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của xã hội về chất lượng và độ chi tiết và tính ứng dụng của các thông tin KTTV trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và phòng chống thiên tai, tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu.