Tăng cường công tác quản lý an toàn hồ đập thuỷ điện |
Công trình Thủy điện Ialy |
Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo quý giá, không mấy nước trên thế giới có nguồn sinh thủy và điều kiện tự nhiên như Việt Nam để phát triển loại năng lượng này. Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, sản xuất lượng điện chiếm tới hơn 37% sản lượng điện hàng năm. Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước. Các hồ chứa thủy điện đã góp phần quan trọng vào việc cắt, giảm, làm chậm lũ cho hạ du, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra. Đây cũng là nguồn cung nước cho sinh hoạt, sản xuất,… vào mùa cạn, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực.
Hồ chứa thủy điện, ngoài nhiệm vụ cơ bản là phát điện, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế – môi trường – xã hội. Điển hình như, đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ. Thủy điện trong hệ thống điện Việt Nam hiện có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong tương lai, khi các dự án năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời phát triển thì vai trò của thủy điện càng quan trọng hơn, bởi vì thủy điện có thể điều chỉnh được việc phát điện theo thời tiết để bảo đảm an toàn, an ninh cung cấp điện. Không chỉ có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thủy điện còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa cạn, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực và làm chậm quá trình gây ngập lũ cho hạ du.
Ông Mai Sỹ Diến – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, những năm vừa qua, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến an ninh nguồn nước. Do đó, vai trò của hồ đập thủy điện là giữ nước cho mùa hạn hán (tháng 4, 5, 6), bảo đảm nước đáp ứng cho mùa vụ. Hồ, đập thủy điện đã tích trữ nước từ mùa mưa để cung cấp cho mùa khô, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Có thể khẳng định rằng, các dự án thủy điện không chỉ khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn mang lại lợi ích kinh tế tổng hợp, chống lũ, chống hạn, cung cấp nước tưới cho nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân, đóng góp nguồn ngân sách to lớn cho Nhà nước và địa phương, giúp làm thay đổi bộ mặt hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Vì vậy, cần phải khai thác đảm bảo an toàn nguồn tài nguyên quý giá này.
Trong quá trình quản lý vận hành thủy điện, Bộ Công Thương luôn tuân thủ quy định văn bản pháp luật và thực hiện Nghị định 114/2018 NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Cho đến lúc này, quá trình quản trị, vận hành thủy điện đang bám rất sát. Việc vận hành công trình thủy điện theo Quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ đã được các chủ đập thủy điện tuân thủ, chấp hành tốt quy trình vận hành đã được phê duyệt. Các chủ đập đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, thực hiện đúng quy định trước khi xả lũ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để dự báo thủy văn cho công trình.
Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các quy định về cách thông báo và ứng xử với từng trường hợp cụ thể, thiết lập hệ thống cảnh báo xả lũ dọc sông tại các vị trí cần thiết, chủ động đề xuất để tham gia vào Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của địa phương và mời đại diện của địa phương tham gia Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của nhà máy.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khó khăn hiện nay trong vận hành liên hồ chứa là việc giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa đảm bảo an toàn cho hạ lưu với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho các ngành (như phát điện, tưới tiêu, hoặc cấp nước dân dụng) cũng khá phức tạp.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, công tác vận hành hồ thủy điện hết sức quan trọng, nếu không làm tốt, nguy cơ mất an toàn đập là rất cao. Do đó, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, vận hành công trình thủy điện để vừa thích nghi với biến đổi khí hậu và các điều kiện thủy văn diễn biến khó lường, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, vừa đảm bảo khả năng tích nước phục vụ sản xuất điện và nhu cầu nước hạ du.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để giám sát vận hành và điều tiết hồ chứa, phòng chống bão lụt một cách toàn diện. Có những vấn đề phát sinh sẽ xử lý, chỉ đạo chủ hồ chứa và đặc biệt các hồ thủy điện vận hành lâu xem xét lại điều kiện thủy văn đã thay đổi, hoặc các quy trình liên hồ đã được cập nhật thì cần điều chỉnh quy trình vận hành cho phù hợp để đáp ứng được diễn biến khí hậu cực đoan. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều hành hồ chứa trong mùa lũ, mùa kiệt, bảo đảm an toàn cho hạ du, sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo sinh hoạt cho người dân, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.