Thuế có thể giảm tác hại môi trường của ngành thời trang nhanh?

Giới chính trị gia và chuyên gia vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung về tác dụng của thuế đối với nỗ lực giảm thiểu tác động môi trường của ngành thời trang nhanh.

Hồi năm ngoái, Ủy ban Kiểm toán Môi trường Anh đã đề xuất áp các nhà sản xuất thời trang mức thuế 1 xu (0,01 bảng) đối với mỗi miếng vải để chấm dứt kỉ nguyên “thời trang vứt đi”. Họ  kêu gọi các bộ trưởng buộc các nhà bán lẻ chịu trách nhiệm về rác mà họ tạo ra và thưởng cho những doanh nghiệp hành động tích cực, theo Independent.

Trong một báo cáo, họ đề xuất những ưu đãi kinh tế rõ ràng để khuyến khích các nhà bán lẻ hành động đúng đắn, và gợi ý rằng chính phủ nên cải cách thuế để thưởng cho những doanh nghiệp thiết kế những sản phẩm tạo ra tác động môi trường thấp, đồng thời trừng phạt những doanh nghiệp không thực hiện việc đó.

Họ cũng kiến nghị mở rộng thuế đối với nhựa tái sinh vào năm 2022 và sợi tổng hợp để khuyến khích việc sử dụng sợi tái chế. Báo cáo cũng kêu gọi chính phủ nghiên cứu những chính sách hỗ trợ các dịch vụ thuê, đổi trang phục.

nui quan ao

“Thời trang không nên gây tổn hại cho trái đất. Ham muốn vô độ đối với quần áo của chúng ta đã tạp ra cái giá quá đắt về xã hội và môi trường – từ khí thải carbon, sự lãng phí nước, ô nhiễm nhựa và hóa chất”, bà Mary Creagh, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Môi trường, nói.

Mary Creagh nói thêm rằng, nếu tính trung bình, mỗi người dân Anh đang mua số lượng quần, áo nhiều hơn so với người dân ở mọi nước khác thuộc châu Âu.

“Thời trang nhanh có nghĩa là chúng ta chi tiêu quá mức cho trang phục, nhưng lại dùng quá ít. Do đó, chúng ta vứt hơn một triệu tấn quần áo, tương đương 140 triệu USD, mỗi năm”, bà nhấn mạnh.

Song chính phủ Anh đã bác bỏ đề xuất của Ủy ban Kiểm toán Môi trường, đồng thời khẳng định họ có nhiều cách khác để xử lý những tác động môi trường của ngành thời trang nhanh.

“Mặc dù đã cam kết giảm lượng khí phát thải carbon, chính phủ Anh lại chấp nhận làm ngơ trước những hành vi gây hai cho môi trường của ngành thời trang nhanh”, bà Mary Creagh phát biểu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại ủng hộ chính phủ Anh, với lập luận rằng thuế không thể giải quyết những tác động môi trường của ngành thời trang nhanh.

Liệu thời trang nhanh có thể tồn tại trong một thế giới bền vững hơn chăng? Câu trả lời tương đối phức tạp, theo Los Angeles Times.

“Nếu mô hình kinh doanh của bạn dựa trên khối lượng, nó không phải là một phần của phong trào bền vững trong bất kì ngành nào”, Dana Thomas, một nhà báo kiêm tác giả cuốn sách “Fashionopolis: The Price of Fast Fashion and the Future of Clothes”.

Ngành thời trang tạo ra 10% khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn ngành hàng không và vận tải biển, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Cứ mỗi giây, một lượng rác dệt may có thể chất đầy xe tải bị đốt hoặc đưa ra bãi rác, theo Liên Hợp Quốc. 

Stefano Ricci, thương hiệu thời trang xa xỉ không chấp nhận giảm giá trị sản phẩm bằng việc chiết khấu, từng tiết lộ với báo The Wall Street Journal rằng năm ngoái, họ thường xuyên đốt hàng tồn. 

Compagnie Financiere Richemont, tập đoàn sở hữu thương hiệu đồng hồ cao cấp Cartier, mua lại những đồng hồ tồn và nung chảy chúng để dùng trong các mẫu thiết kế mới. Hành động đó tái chế nguyên liệu, song vẫn làm tăng gấp đôi qui trình sản xuất. 

Hennes & Mauritz, tập đoàn thời trang nhanh ở Thụy Điển, từng cảnh báo các nhà đầu tư vào năm ngoái bằng việc báo cáo rằng giá trị hàng tồn kho của họ đã lên tới 4,3 tỉ USD và con số vẫn tiếp tục tăng. Đó là dấu hiệu cho thấy mức sản xuất của hãng đã vượt khả năng bán hàng. 

Tập đoàn phải chiết khấu nhiều hơn để giải phóng hàng tồn, và họ không thể ngừng sản xuất mẫu. Trong nhiều tháng, hãng phải tìm cách để thoát khỏi tình trạng nguy cấp đó.

Theo Nhã Vy/taichinhdoanhnghiep.net.vn

Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thue-co-the-giam-tac-hai-moi-truong-cua-nganh-thoi-trang-nhanh-d16588.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *