Nhận diện công nghiệp môi trường trong điều kiện tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Công nghiệp môi trường là một phân ngành thuộc ngành công nghiệp trong nhóm các ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu xử lý chất thải, bảo đảm tiêu chuẩn cho công tác bảo vệ môi trường. Công nghiệp môi trường có chức năng sản xuất, cung cấp các thiết bị, công nghệ xử lý nước thải; sản xuất thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn; cung cấp công nghệ, sản xuất các thiết bị, máy móc xử lý khí thải; sản xuất thiết bị phân tích, quan trắc và kiểm soát các thông số môi trường; sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường; sản xuất máy móc, thiết bị xử lý nước cấp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và tiết kiệm điện năng. Những lĩnh vực sản xuất, cung cấp các sản phẩm của công nghiệp môi trường xét trong điều kiện ứng dụng những thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học cùng với sự đột phá của in-tơ-nét kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại hiệu quả cao, sự đổi mới rõ rệt về công nghệ trong lĩnh vực môi trường so với trước đây. CMCN 4.0 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ đến sự phát triển của công nghiệp môi trường.
Xét trong điều kiện lan tỏa của CMCN 4.0 đối với phát triển lĩnh vực công nghiệp môi trường, có thể đưa ra một số nhìn nhận bối cảnh thế giới và trong nước như sau:
Thứ nhất, đối với các nước phát triển thuộc nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) và các nước, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po… tùy theo mức độ khác nhau, việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp môi trường đã đổi mới trong cách thức sản xuất dựa trên những thành tựu của công nghệ số, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và in-tơ-nét kết nối vạn vật, công nghệ nano, phát triển các phần mềm để tạo ra các sản phẩm đo lường tự động, số hóa và không gian mạng phục vụ nhu cầu điều khiển, quản lý, vận hành, thậm chí giám sát từ xa từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải, cấp nước… Các sản phẩm công nghiệp thế hệ mới có ưu thế giúp giảm số lượng nhân công, hạn chế sự tham gia trực tiếp của con người, hiệu quả sản xuất cao.
Hoạt động tại nhà máy xử lý rác sinh hoạt thành phân hữu cơ lớn nhất Việt Nam và Khu vực Đông Nam Á, thuộc Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương, với công suất 840 tấn/ngày_Ảnh: TTXVN |
Thứ hai, đối với Việt Nam, ngành công nghiệp môi trường có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức trên 15% do nhu cầu xử lý ô nhiễm và các thiết bị môi trường luôn cao trong điều kiện kinh tế tăng trưởng liên tục. Tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải là 107.616 người. Trong “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” tại Quyết định số 192/QĐ-TTg, ngày 13-2-2017, của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam không chỉ nỗ lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp môi trường đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Trong Đề án, những chỉ tiêu cơ bản, bao gồm đối với sản xuất thiết bị xử lý nước cấp và nước thải đáp ứng khoảng từ 70% đến 80%; sản xuất thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn khoảng từ 60% đến 70%; sản xuất thiết bị xử lý khí thải khoảng từ 70% đến 80%; sản xuất thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải khoảng từ 50% đến 60%… Như vậy, trong 5 năm tới nếu đạt được các mục tiêu đề ra, công nghiệp môi trường Việt Nam sẽ khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống các ngành công nghiệp và đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho thị trường đối với công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này xét trong điều kiện thực tiễn thực sự không dễ, bởi lẽ mức độ sẵn sàng để các doanh nghiệp tham gia CMCN 4.0 còn thấp, chỉ đạt 0,14/5. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và cơ cấu nguồn nhân lực để thực hiện yêu cầu khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa cao, chưa tạo động lực cho thực hiện đổi mới và chuyển sang kinh tế số. Thực tế, bức tranh của công nghiệp môi trường sẵn sàng cho thực hiện CMCN 4.0 ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Cơ hội và thách thức phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam
Từ thực tiễn phát triển công nghiệp môi trường trong bối cảnh của CMCN 4.0 có thể chỉ ra những cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong thời gian tới như sau:
Về cơ hội
Một là, chủ trương của Đảng và triển khai của Chính phủ thực hiện phát triển công nghiệp môi trường tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp môi trường đầu tư phát triển gắn với cuộc CMCN 4.0, nhất là việc ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, tạo môi trường thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung mà còn cả đối với doanh nghiệp công nghiệp môi trường nói riêng trong việc chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ để tạo ra những sản phẩm công nghiệp môi trường có chất lượng cao, hiệu suất lớn có tính cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại với các quốc gia khác.
Hai là, dư địa cho phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam còn lớn, nhu cầu về thiết bị công nghiệp cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, xử lý khí thải, cấp nước… đạt trình độ công nghệ cao và hiệu quả lớn là cơ hội cho công nghiệp môi trường phát triển.
Ba là, sự phát triển công nghiệp môi trường gắn với cuộc CMCN 4.0 trên thế giới, nhất là ở những nước có trình độ công nghiệp hóa cao tạo cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ vào phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam.
Công nhân vận hành hệ thống xử lý rác thải điện tử tại nhà máy xử lý rác thải ở xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên)_Ảnh: TTXVN |
Bốn là, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP),… sẽ tạo cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp môi trường dựa trên trình độ kỹ thuật công nghệ cao trong điều kiện thực hiện cuộc CMCN 4.0, thậm chí CMCN 5.0 như Nhật Bản đang tiến hành.
Năm là, công nghiệp môi trường là ngành mới, gần như chưa phát triển ở Việt Nam, do vậy ít chịu ảnh hưởng của công nghệ cũ, việc phát triển công nghiệp môi trường gắn với cuộc CMCN 4.0 sẽ là cơ hội để ngay từ những giai đoạn đầu chúng ta đưa ra các thiết bị, sản phẩm hiện đại có tính cạnh tranh cao trong nước và trên thế giới.
Về thách thức
Bên cạnh việc nắm bắt cơ hội, chúng ta cũng phải nhìn nhận thách thức mà Việt Nam phải vượt qua đối với phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện lan tỏa của cuộc CMCN 4.0, đó là:
Thứ nhất, về nhận thức đối với phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện thực hiện cuộc CMCN 4.0 đối với doanh nghiệp, nhà quản lý và cả hệ thống chính trị cần phải được đổi mới để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ hai, tạo động lực cho các doanh nghiệp công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách đột phá, trong khi đó các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây chưa đề cập tới phát triển, công nghiệp môi trường.
Thứ ba, nguồn nhân lực đủ năng lực tham gia vào ngành công nghiệp môi trường và có kiến thức về công nghệ đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 còn rất hạn chế, trong khi ở nhiều nơi, vẫn thực hiện theo cách thức, phương pháp quản lý cũ.
Thứ tư, hạ tầng đáp ứng cho phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện thực hiện cuộc CMCN 4.0, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh mạng và tốc độ xử lý thông tin là thách thức lớn, đòi hỏi phải đầu tư để có một hạ tầng đầy đủ.
Thứ năm, Việt Nam là nước có thời gian phát triển công nghệ còn ngắn, do vậy, để có những sản phẩm công nghiệp môi trường cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nhiều, sản phẩm tạo ra phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả, tuổi thọ…, nhất là trong điều kiện chúng ta mở cửa và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới.
Giải pháp phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Để thực hiện thành công phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện CMCN 4.0 cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, căn cứ vào Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, trước hết cần rà soát lại Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 4-5-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Quyết định số 192/QĐ-TTg, ngày 13-2-2017, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, nhằm đổi mới cách thức quản lý, đầu tư phát triển các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường dựa trên những ứng dụng nền tảng của CMCN 4.0. Cùng với đó, rà soát lại các chính sách, nhất là những quy định pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp môi trường để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện về mặt pháp lý thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm công nghiệp môi trường.
Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội_Ảnh: moitruongvadothi.vn |
Hai là, về nguồn nhân lực, đây là nhân tố cơ bản để thực hiện phát triển ngành công nghiệp môi trường trong điều kiện của cuộc CMCN 4.0, cần đào tạo và đào tạo lại, bổ sung kiến thức, đổi mới nhận thức và phương thức quản lý trong điều kiện lan tỏa mạnh mẽ của CMCN 4.0, những phân khúc chuỗi giá trị sản phẩm ở công đoạn nào có thể thay đổi và đổi mới được ngay cần ưu tiên làm trước, chẳng hạn trong quản lý, thay vì hội họp, trao đổi công văn giấy tờ, điều hành trong hoạt động thường phải trực tiếp, nay chuyển sang làm việc trên hệ thống trực tuyến và sử dụng kỹ thuật số để ban hành văn bản, điều hành công việc tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ba là, để phát triển công nghiệp môi trường trong điều kiện của cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống in-tơ-nét tốc độ cao, chuyển từ 3G, 4G lên 5G và cao hơn nữa, tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển để kết nối vạn vật với tốc độ nhanh trong quá trình thực hiện sản xuất và quản lý đối với ngành công nghiệp môi trường, cùng với đó cần bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
Bốn là, việc hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp môi trường gắn với phát triển của CMCN 4.0 là cần thiết để chuyển giao công nghệ, học hỏi kinh nghiệm và đưa vào ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Năm là, sự tham gia của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân và khởi nghiệp sáng tạo, ngành công nghiệp môi trường cũng cần cụ thể các chủ trương, hơn nữa đây là ngành ra đời sau nên có nhiều điều kiện để thực hiện khởi nghiệp, muốn vậy phải có hình thức quảng cáo, cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho đặc trưng của ngành để tạo động lực phát triển.
Sáu là, để phát triển ngành công nghiệp môi trường trong điều kiện cuộc CMCN 4.0 xét trong bối cảnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải tạo lập thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, bởi lẽ thị trường sẽ tạo ra động lực phát triển ngành. Mặc dù đã có một số thị trường, như sản xuất sản phẩm xử lý chất thải rắn, nước thải, cấp nước, năng lượng tái tạo… nhưng các thị trường này chưa thực sự phát triển như kỳ vọng, nhất là thị trường của những sản phẩm hàng hóa sản phẩm công nghiệp môi trường chất lượng cao, sử dụng công nghệ hiện đại./.
Dẫn theo nguồn: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/phat-trien-cong-nghiep-moi-truong-o-viet-nam-trong-dieu-kien-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-36915.html