Sáng 20/1, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp về triển khai những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục Môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp về triển khai những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Tổng cục đã xác định những vấn đề và thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về môi trường năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Thứ nhất là, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, dự đoán trong 10 năm tới việc chuyển đổi số và bảo vệ môi trường sẽ được các quốc gia đặt ưu tiên hàng đầu. Các nước châu Âu đã đặt kinh tế tuần hoàn lên ưu tiên số một để hướng tới một nền kinh tế không rác thải vào năm 2050. Do đó, công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam trong giai đoạn tới cần đặt trọng tâm là xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt công tác quản lý rác thải, với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của rác thải; giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý môi trường trong điều kiện chuyển đổi số.
Thứ hai là, môi trường nước ta vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Cả nước hiện có 280 KCN đang hoạt động; 846 đô thị; 4.575 làng nghề, gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 31.668 trang trại nông nghiệp; 13.674 cơ sở khám, chữa bệnh; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; hơn 3,6 triệu xe ô tô, hàng chục triệu xe gắn máy đang lưu hành; hàng chục các khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực.
Thứ ba là, mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại nhưng hiện nay vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề môi trường chưa được giải quyết như: Ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân; rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả. Rác thải điện tử, chất thải nhựa sử dụng một lần, túi nilon không được thu gom, xử lý đúng cách; Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Yêu cầu đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt đặt ra cấp bách trong khi nguồn vốn còn hạn chế, các chính sách xã hội hóa chưa hiệu quả. Các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng gia tăng. Các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.
Thứ tư là, trong bối cảnh tinh giản biên chế, tinh gọn về tổ chức, cần thiết duy trì mô hình Chi cục bảo vệ môi trường tại các địa phương và hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; duy trì tổ chức bộ máy quản lý môi trường xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo nguồn nhân lực tại các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở cấp tỉnh, huyện, xã.
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường báo cái tại Hội nghị
07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Từ những vấn đề và thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường nói trên, ông Nguyễn Văn Tài cho biết, Tổng cục Môi trường xác định 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện bao gồm:
Xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật; trả lời vướng mắc, kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, làng nghề…); tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trong đó tập trung quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thúc đẩy, thu hút đầu tư, xử lý tái chế rác thải bằng công nghệ chế biến, công nghệ sinh học thay cho chôn lấp trực tiếp.
Cải thiện chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…); từng bước khôi phục môi trường các lưu vực sông, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở đô thị lớn.
Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong đó có tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với địa phương, với từng di sản thiên nhiên.
Tăng cường công tác quan trắc môi trường và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Thực hiện chuyển đổi số để tiến tới thực hiện Chính phủ số, nền kinh tế số đối với lĩnh vực môi trường. Tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các đơn vị thộc bộ đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Định hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Môi trường khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung xây dựng các văn bản dưới Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới được thông qua; tiếp tục xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về môi trường… kèm theo đó là cơ chế chính sách tài chính, quy chuẩn, công nghệ kỹ thuật đồng bộ triển khai.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tiếp tục tăng cường năng lực cho công tác quan trắc môi trường; xây dựng quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với công tác khoa học công nghệ, Bộ trưởng đề nghị phải hoàn thiện chính sách để nâng cao năng lực hơn nữa nhằm đáp ứng được các yêu cầu về đánh giá các mô hình bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành phục vụ cho công tác quản lý, giám sát. Trong đó, Tổng cục cần phải phối hợp với các đơn vị trong Bộ để xây dựng nền tảng khoa học một cách thống nhất, đồng bộ và có cơ chế phân công trách nhiệm của từng đơn vị.
Về công tác xây dựng quy hoạch môi trường, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Tổng cục cần chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này một cách quyết liệt hơn nữa.
“Bảo vệ môi trường là một vấn đề rất rộng cả ở trên đất liền, biển, không khí… cho nên quy hoạch môi trường phải đi trước một bước để từ đó định hướng, định hình cho các quy hoạch khác, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường“.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị bên cạnh công tác truyền thông cần phải sớm đưa các mô hình bảo vệ môi trường tốt để triển khai rộng rãi. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo, cán bộ Tổng cục Môi trường cần thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý, đưa ra các giải pháp đa dạng, tập hợp được trí tuệ tập trong việc triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao, thể hiện với trách nhiệm đất nước, với người dân.
Theo Khương Trung/monre.gov.vn
Dẫn theo nguồn: http://www.monre.gov.vn/Pages/bo-truong-tran-hong-ha-chi-dao-khan-truong-hoan-thien-co-che,-chinh-sach-phap-luat-ve-bao-ve-moi-truong.aspx