Từ ngày 11-22/11/2024, tại Baku, A-déc-bai-gian, Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã diễn ra nhằm mục đích thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. COP29 đã thu hút gần 70.000 nhà lãnh đạo thế giới, nhà đàm phán, quan sát viên và nhà hoạt động tham dự trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu đang là vấn đề báo động với mức nhiệt độ và lượng khí thải nhà kính toàn cầu được dự báo cao kỷ lục. Đây là diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực; thực hiện giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev phát biểu trong một cuộc họp tại Hội nghị COP29
Đoàn kết vì một thế giới xanh
Hội nghị COP29 có chủ đề Đoàn kết vì một thế giới xanh với hai trụ cột Nâng cao tham vọng và Kích hoạt hành động. Chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới xanh” đặt ra cho các nước cần thực hiện đúng cam kết cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính, trong đó nhấn mạnh tinh thần đoàn kết để cùng thấu hiểu, cùng thực hiện vì một mục tiêu chung. Để đạt được mục tiêu cùa Thỏa thuận Pari (giữ mức tăng ở 2 độ C và cố gắng chỉ ở 1,5 độ C), các nước cần phải “nâng cao tham vọng” của mình để tương thích với mục tiêu và “kích hoạt hành động” để biến cam kết thành hiện thực.
Trong gần 2 tuần đàm phán, COP 29 đã đạt được những thành tựu quan trọng. Thành tựu đầu tiên là các quốc gia đã đạt được sự đồng thuận về cách thức hoạt động của thị trường carbon theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, bao gồm giao dịch giữa các quốc gia (Điều 6.2) và cơ chế tín chỉ carbon (Điều 6.4), giúp thiết lập tiêu chuẩn mới cho thị trường tín chỉ carbon. Điều 6 của Thỏa thuận Paris tạo khuôn khổ một thị trường carbon thống nhất trên phạm vi toàn cầu nhằm giúp các quốc gia có thể hợp tác đạt được mục tiêu khí hậu thông qua trao đổi tín chỉ carbon và tạo thuận lợi cho các giao dịch carbon xuyên biên giới. Thị trường carbon theo Điều 6 phải tuân thủ quy tắc “điều chỉnh tương ứng” nhằm chứng nhận kết quả giảm phát thải từ bên bán sẽ không được tính vào kết quả giảm phát thải tại quốc gia sản xuất ra tín chỉ, đảm bảo quyền lợi sở hữu kết quả giảm phát thải khí nhà kính thuộc về bên mua. Như vậy, các hướng dẫn, quy định của Điều 6 sẽ dảm bảo thị trường carbon đáng tin cậy và minh bạch cho các quốc gia khi họ hợp tác để đạt được mục tiêu khí hậu của mình. Sự hợp tác xuyên biên giới này dự kiến sẽ giảm chi phí thực hiện các kế hoạch khí hậu quốc gia (NDC) của các quốc gia lên tới 250 tỷ đô la mỗi năm. Đây là một cột mốc quan trọng chấm dứt thời gian chờ đợi kéo dài cả thập kỷ và mở ra một công cụ quan trọng để giữ mục tiêu 1,5 độ trong tầm với.
Thành tựu quan trọng tiếp theo, COP29 đã đạt được thỏa thuận mang tính đột phá về tài chính khí hậu, được gọi là “Mục tiêu định lượng tập thể mới” nhằm giúp các quốc gia bảo vệ người dân và nền kinh tế của họ trước các thảm họa khí hậu, đồng thời chia sẻ những lợi ích to lớn từ sự bùng nổ năng lượng sạch. Theo đó, các quốc gia đã cam kết tăng gấp ba nguồn tài chính cho các nước đang phát triển, từ mục tiêu trước đây là 100 tỷ đô la Mỹ mỗi năm lên 300 tỷ đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2035; đảm bảo nỗ lực của tất cả các bên liên quan cùng nhau làm việc để tăng quy mô tài chính cho các nước đang phát triển, từ các nguồn công và tư, lên mức 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2035. Mục tiêu này đã được nhất trí sau hai tuần đàm phán chuyên sâu và nhiều năm chuẩn bị, trong một quá trình đòi hỏi tất cả các quốc gia phải nhất trí về mọi từ ngữ của thỏa thuận. Đây là một chính sách bảo hiểm cho nhân loại, trong bối cảnh tác động của khí hậu ngày càng trầm trọng hơn đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia, đồng thời sẽ duy trì sự bùng nổ năng lượng sạch, giúp tất cả các quốc gia chia sẻ những lợi ích to lớn năng lượng sạch như tạo nhiều việc làm hơn, tăng trưởng mạnh mẽ hơn, năng lượng rẻ hơn và sạch hơn cho tất cả mọi người. Mục tiêu tài chính mới tại COP29 dựa trên những bước tiến đáng kể về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu tại COP27 đã nhất trí về Quỹ Thiệt hại và Tổn thất mang tính lịch sử, và tại COP28 đã đưa ra một thỏa thuận toàn cầu nhằm chuyển đổi nhanh chóng và công bằng khỏi tất cả nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và thúc đẩy khả năng phục hồi khí hậu.
Một quyết định quan trọng khác đã được đưa ra tại COP 29 là đảm bảo việc vận hành đầy đủ Quỹ Thiệt hại và Tổn thất, vốn được các nước đang phát triển mong đợi từ lâu, bao gồm các quốc đảo nhỏ, các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc gia châu Phi. Điều này phù hợp với ưu tiên đặt ra nhằm giải quyết những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu đối với các quốc đảo nhỏ. Việc thành lập Quỹ Thiệt hại và Tổn thất nhằm mục đích cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Trong COP 28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, một quyết định đã được đưa ra để khởi động hoạt động của Quỹ và trong khuôn khổ COP 29, một số thỏa thuận quan trọng liên quan đến Quỹ mất mát và thiệt hại đã được ký kết, bao gồm Thỏa thuận ủy thác và Thỏa thuận lưu trú của Ban Thư ký giữa Hội đồng quản trị Quỹ và Ngân hàng thế giới, cũng như Thỏa thuận quốc gia chủ nhà giữa Hội đồng Quản trị Quỹ và quốc gia chủ nhà là Công hòa Philipin. Cho đến nay, tổng số tiền cam kết hỗ trợ tài chính cho Quỹ đã vượt quá 730 triệu đô la Mỹ. Với những thành tựu này, Quỹ Thiệt hại và Tổn thất có thể bắt đầu tài trợ cho các dự án từ năm 2025.
COP29 cũng đã giải quyết thành công các vấn đề minh bạch báo cáo khí hậu, với việc hoàn thành các công cụ báo cáo mới cho Khung tăng cường minh bạch (ETF) của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, góp phần tăng cường chính sách khí hậu và xác định nhu cầu tài chính. Cho đến nay, 13 Bên đã nộp Báo cáo minh bạch hai năm một lần (BTR) đầu tiên được đệ trình theo Thỏa thuận Paris. Andorra, Azerbaijan, Liên minh Châu Âu, Đức, Guyana, Nhật Bản, Kazakhstan, Maldives, Hà Lan, Panama, Singapore, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đầu về báo cáo khí hậu minh bạch. Ngoài ra, tất cả các mục đàm phán về minh bạch đã kết thúc thành công tại COP29, với các Bên bày tỏ sự đánh giá cao của họ đối với việc hoàn thành kịp thời các công cụ báo cáo của ETF, các khóa đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ được cung cấp cho các nước đang phát triển để báo cáo theo ETF diễn ra vào năm 2024 và việc khởi động thành công quy trình đánh giá.
Bên cạnh đó, COP29 đã thiết lập chương trình hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với biến đổi khí hậu (NAPs) cho các nước kém phát triển. Đối thoại cấp cao về Kế hoạch thích ứng quốc gia triệu tập các bộ trưởng từ các nước kém phát triển nhất và các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển, các chuyên gia tài chính và các nhà tài trợ quốc tế để giải quyết tính cấp thiết ngày càng tăng của việc thích ứng với khí hậu. Các cuộc thảo luận tập trung vào tài chính sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật và hành động nhanh chóng để đáp ứng thời hạn nộp NAP năm 2025. Sự kiện kết thúc với lời kêu gọi hành động mạnh mẽ để đẩy nhanh NAP và chuyển các kế hoạch thành kết quả hữu hình. Kết quả mục tiêu toàn cầu về thích ứng đặt ra một con đường rõ ràng hướng tới COP30 cho chương trình làm việc về các chỉ số, cung cấp một quy trình để các chuyên gia tiếp tục công việc kỹ thuật của họ trước khi chuyển giao cho các Bên. COP29 cũng đã đưa ra Lộ trình thích ứng Baku và đối thoại cấp cao về thích ứng của Baku để tăng cường thực hiện Khung UAE.
COP29 đã có bước tiến quyết định để nâng cao tiếng nói của Người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong hành động vì khí hậu, thông qua Kế hoạch làm việc của Baku và gia hạn nhiệm vụ của Nhóm công tác tạo điều kiện (FWG) của Nền tảng cộng đồng địa phương và người bản địa (LCIPP). Quyết định được thông qua ghi nhận tiến độ mà FWG đạt được trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các Bên, người bản địa và cộng đồng địa phương, đồng thời nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của người bản địa và cộng đồng địa phương trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. COP29 mở rộng chương trình tập trung vào giới và biến đổi khí hậu và cũng là lần đầu tiên ghi nhận sự tham gia của trẻ em trong Diễn đàn Khí hậu do Thanh niên lãnh đạo, nhấn mạnh tính bao trùm và hợp tác giữa các thế hệ trong hành động khí hậu.
Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, song COP29 vẫn thiếu vắng các nhà lãnh đạo hàng đầu, các cam kết vẫn chưa đủ mạnh mẽ để tạo sự thay đổi; cam kết hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo dù đã tăng đáng kể nhưng vẫn còn thấp và không đủ để giúp họ đối phó với các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu… Vì vậy, trước những yêu cầu cấp bách cần có một bước ngoặt trong nỗ lực toàn cầu về vấn đề khí hậu, cộng đồng quốc tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm sau Hội nghị COP 29.
Đoàn Việt Nam tích cực, chủ động tham gia các hoạt động tại COP 29
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự COP29. Đoàn đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động và đưa ra các đề xuất về biến đổi khí hậu, khẳng định những cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị COP 29, Đoàn ủng hộ mức đóng góp tài chính khí hậu cần đạt 1.000 tỷ USD mỗi năm cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 để các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện chuyển đổi công bằng về kinh tế, xã hội và môi trường. Đoàn Việt Nam đã kêu gọi các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện trách nhiệm của mình, cắt giảm mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” trước năm 2040, sớm hơn đáng kể so với các nước đang phát triển; đồng thời các quốc gia cần triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết định cho giai đoạn hiện nay và khẩn trương xây dựng NDC3.0 cho giai đoạn tiếp theo; Thực hiện tốt những gì đã cam kết sẽ tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia và khai thông những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong đàm phán ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Bên cạnh đó, Đoàn cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát huy vai trò trung tâm của Liên Hợp quốc trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm thực hiện Sáng kiến về Cảnh báo sớm cho tất cả (Early Warning for all) với trọng tâm là hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hoàn thiện Hệ thống Cảnh báo sớm, ứng phó với thiên tai.
Đoàn cũng chủ trì sự kiện về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) cập nhật của Việt Nam. Sự kiện do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức đã thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính phủ, chuyên gia khí hậu, các quỹ đa phương và các đối tác phát triển. Tại sự kiện, Đoàn đã thể hiện rõ những bước tiến của Việt Nam trong Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu.Việt Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2020, triển khai Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia. Kế hoạch đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên cụ thể cho 7 lĩnh vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu là tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phát triển đô thị và nhà ở; du lịch; sức khỏe cộng đồng và công thương. Sau thời gian thực hiện, Việt Nam đã tiến hành rà soát, cập nhật Kế hoạch trên cơ sở thực tiễn, các kết quả đạt được trong giai đoạn từ năm 2020- 2023 và các cam kết mới của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Trong Kế hoạch cập nhật, Việt Nam điều chỉnh mục tiêu cụ thể và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phù hợp với nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật và các chiến lược, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực có liên quan. Kế hoạch xác định 162 nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên theo 3 mục tiêu chính: Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững (76 nhiệm vụ); giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu (33 nhiệm vụ); hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu (53 nhiệm vụ). Kế hoạch cập nhật cũng bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về áp dụng các mô hình phát triển sinh kế bền vững, mô hình thích ứng dựa vào tự nhiên, dựa vào hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng; cùng với các nhiệm vụ, giải pháp góp phần giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thu hút sự tham gia và đầu tư của khối tư nhân cho thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy vai trò của thanh thiếu niên, phụ nữ và cộng đồng trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Đoàn đã có những buổi gặp mặt song phương với một số quốc gia và đối tác. Đoàn đã có cuộc gặp song phương với bà Rachel Kyte, Đại diện đặc biệt về Khí hậu, an ninh năng lượng và net-zero của Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh. Hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu vào ngày 24/10/2024, và cơ quan đầu mối 2 nước sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch thực hiện MoU. Tại buổi gặp mặt, Việt Nam kỳ vọng phía Anh có thể kết nối, huy động nguồn lực để triển khai hợp tác mạnh mẽ các nội dung quan trọng đã xác định trong MoU giữa hai bên, như ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển thị trường các-bon, thúc đẩy các mục tiêu về bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế xanh.
Ngoài ra, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường với Singapore. Đoàn đã có cuộc gặp song phương với ông Stanley Loh, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Phát triển bền vững Singapore. Tại cuộc gặp, hai bên đã cùng trao đổi để nắm rõ nhu cầu hợp tác song phương trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn Bộ Môi trường và Phát triển bền vững Singapore tiếp tục chia sẻ về các kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là việc xây dựng các chính sách về nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ tiên tiến về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và trong xử lý nước thải đồng thời tăng cường trao đổi chuyên gia, học tập kinh nghiệm của Singapore về quy hoạch và phân vùng bảo vệ môi trường.
Tại buổi làm việc với Viện quốc tế về Phát triển bền vững, Đoàn đã đề xuất các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế để hỗ trợ Việt Nam trong việc việc xây dựng chiến lược huy động nguồn lực từ khối tư nhân trong triển khai NAP, NDC; hoàn thiện Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá đồng lợi ích về đa dạng sinh học trong triển khai NAP và NDC; thiết lập và vận hành thị trường các-bon.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành – Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị COP29
Đến với COP 29, Việt Nam vẫn tiếp tục cam kết và theo đuổi những nỗ lực về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là một trong những lần tái khẳng định của Việt Nam kiên trì đi theo đường lối chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và có trách nhiệm, thể hiện thái độ và tầm nhìn chiến lược để đóng góp cho thế hệ tương lai.
Theo: Nguyễn Hằng/Tạp chí môi trường
Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/dien-dan–trao-doi-21/cop29-thuc-day-hanh-dong-ve-bien-doi-khi-hau-bang-cach-giam-phat-thai-va-ngan-chan-su-nong-len-toan-cau-31597