Phát triển thị trường các-bon: Chiến lược phát triển kinh tế xanh ở nước ta trong tình hình mới

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, cam kết thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính để đạt được thỏa thuận chung tại Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận quốc tế khác về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải. Tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi các-bon, hình thành nên thị trường các-bon hay thị trường tín chỉ các-bon. Mục tiêu này không chỉ là yêu cầu cấp thiết về môi trường mà còn mang đến những cơ hội đáng kể cho các tổ chức thuộc mọi quy mô; bao gồm việc tiết kiệm chi phí từ sử dụng hiệu quả năng lượng, nâng cao uy tín thương hiệu, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và nhà đầu tư đối với các hoạt động phát triển kinh tế xanh và bền vững.

    Thuật ngữ thị trường các – bon (CO2) bắt nguồn từ Nghị định định thư Kyoto 1977 của Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo Điều 17 Nghị định thư Kyoto 1997, thì thị trường các – bon được hiểu là các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện một loại hàng hóa mới được tạo ra dưới dạng chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do các-bon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi các-bon, hình thành nên thị trường các-bon hay thị trường tín chỉ các-bon.

    Thị trường giao dịch khí thải quốc tế đầu tiên thuộc sở hữu của Liên minh châu Âu (EU) và đã đi vào hoạt động từ năm 2005. Đây là công cụ của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết đã ký trong Nghị định thư Kyoto trước đây và nay là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng khí thải châu Âu và khoảng 3/4 thị trường các-bon toàn cầu.

    Một thí dụ về thị trường các – bon bắt buộc đó là hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS). Hoạt động theo nguyên tắc “cap-and-trade” (hạn mức và thương mại), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này hoặc các quốc gia, như trong trường hợp ETS của Liên minh châu Âu (EU) – được chính phủ cấp giấy phép phát thải/môi trường hoặc quyền phát thải (cộng dồn lại thành tổng mức tối đa, hay số lượng giới hạn). Trong trường hợp vượt quá mức phát thải cho phép, các doanh nghiệp gây ô nhiễm bắt buộc phải mua giấy phép từ những chủ thể khác có sẵn giấy phép để bán.

    Trung Quốc bắt đầu đề cập xây dựng thị trường các-bon trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 và sau đó đã tiến hành thí điểm diện rộng tại các khu vực, thành phố với các mức độ kinh tế đa dạng khác nhau. Ngày 16/7/2021, thị trường giao dịch trao đổi các-bon Trung Quốc đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2060. Ước tính khoảng 1/7 lượng khí thải các-bon toàn cầu từ đốt nhiên liệu hóa thạch được trao đổi trên thị trường này.

    Ngoài EU và Trung Quốc, nhiều thị trường ETS cấp quốc gia và địa phương hiện cũng đã đi vào vận hành hoặc đang trong quá trình phát triển. Cơ chế phát triển sạch (CDM) – cơ chế hợp tác giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển được thiết lập trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto năm 1997 – là một thí dụ điển hình khác về thị trường các-bon bắt buộc quốc tế. Theo cơ chế CDM, các dự án giảm phát thải ở các nước đang phát triển tạo ra tín chỉ các-bon, sau đó được các nước công nghiệp phát triển sử dụng để đáp ứng một phần mục tiêu giảm phát thải của họ.

    Các quốc gia có tài nguyên rừng phong phú như Costa Rica đang xem xét tham gia một cách chiến lược vào thị trường các-bon trong bối cảnh triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tại Đông Nam Á, Campuchia có nhiều kinh nghiệm về thị trường các – bon tự nguyện trong ngành lâm nghiệp. Cùng với NDC cập nhật và Chiến lược dài hạn đầy tham vọng về trung hòa các-bon, Campuchia cũng đang nhìn nhận, đánh giá một cách chiến lược về những cơ hội mà thị trường các-bon quốc tế có thể mang lại trong việc huy động đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, rừng và sử dụng đất. Trong khi đó, một số quốc gia như Ghana đã đi tiên phong trong việc thực hiện các công cụ thị trường các-bon được phát triển thông qua hợp tác tự nguyện giữa các quốc gia theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris. Nếu tuân thủ các tiêu chuẩn cao về tính liêm chính và minh bạch, thị trường các-bon có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cần thiết, bằng cách định giá ô nhiễm một cách hiệu quả và tạo ra động cơ kinh tế để giảm phát thải. Đồng thời, giúp mang lại một khoản tiền lớn cần thiết để nâng cao khả năng phục hồi.

    Hiện nay thị trường các-bon bắt buộc (compliance các-bon market) và thị trường các-bon tự nguyện (voluntary các-bon market); là hai thị trường đang song song tồn tại, những nước tham gia cam kết đang tận dụng để phát triển.

    Thị trường các-bon bắt buộc: Là thị trường mà trong đó việc mua bán tín chỉ các-bon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc Cơ chế đồng thực hiện (JI).

    Thị trường các-bon tự nguyện: Là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp và giảm dấu chân các-bon (các-bon footprint). Dấu chân các-bon là tổng lượng mức độ của khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người và cũng là vòng đời cuối cùng của một sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

    Nguồn cung tín chỉ các-bon tự nguyện hiện nay chủ yếu đến từ các tổ chức tư nhân phát triển các dự án các-bon, hoặc các chính phủ triển khai các chương trình được chứng nhận đạt tiêu chuẩn các-bon về giảm thiểu và/hoặc loại bỏ phát thải. Trong khi đó, nhu cầu tín chỉ các-bon đến từ các cá nhân muốn bù đắp dấu chân các-bon của họ, các tập đoàn với mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững, và một số chủ thể khác muốn mua bán tín chỉ các-bon ở mức giá cao hơn để kiếm lợi nhuận.

    Hiện tại, lớn nhất là thị trường các-bon châu Âu và thị trường các-bon Hoa Kỳ… Thị trường các-bon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân các-bon. Tín chỉ các-bon là một chứng nhận đại diện cho việc giảm phát thải một tấn khí các-bon dioxide (CO2). Các tín chỉ các-bon được giao dịch trên thị trường các-bon, nơi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể mua và bán tín chỉ các-bon để bù đắp cho lượng khí nhà kính mà họ phát thải.

    Thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới hiện rất sôi động. Việc phát triển thị trường này không chỉ là xu thế xanh mà còn là cơ hội để các nước hướng tới “Net Zero” và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Thế giới hiện có 58 quốc gia phát triển thị trường các – bon, 27 quốc gia áp dụng thuế các-bon và một số quốc gia áp dụng cả hai.

    Việt Nam, thị trường các-bon đang được triển khai xây dựng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Đồng thời phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ các-bon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí các-bon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.

    Thị trường các-bon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012, phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới. Theo đó, Đề án rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của thị trường tín chỉ các-bon tự nguyện; xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào dự án kinh doanh tín chỉ các-bon từ rừng theo hướng xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng. Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính, công nghệ của các nước và tổ chức quốc tế; phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước, tham gia thị trường các – bon toàn cầu. Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường các-bon. Theo đó, thị trường các – bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các – bon trong nước, quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

    Hiện nay, Việt Nam chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ các-bon. Do đó việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện. Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước. Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các – bon.

    Do vậy, phát triển thị trường các-bon là mục tiêu để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam thời gian tới.

    Thứ nhất, xây dựng chiến lược, phương án, kế hoạch phát triển thị trường các-bon cho hoạt động kinh tế

    Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành các cơ chế quản lý toàn bộ tín chỉ các-bon, tiến tới sẽ thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia. Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức có lượng tín chỉ tạo ra trên cả nước sẽ phải đăng ký trên hệ thống này.

    Khi có trao đổi ra nước ngoài, cần báo cáo cho cơ quan quản lý, bởi hoạt động này ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải chung. Khi thị trường trong nước đi vào hoạt động, nhu cầu tín chỉ các-bon sẽ tăng lên và sẽ cần có thêm nguồn hàng hóa tín chỉ trong tương lai. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có thêm các quy định hướng dẫn cụ thể việc trao đổi, mua bán tín chỉ tại thị trường trong nước, quy định quản lý hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon ra quốc tế.

    Nguồn lợi từ thị trường quốc tế rất lớn và nhu cầu rất cao, nhưng Việt Nam vẫn phải ưu tiên thực hiện các mục tiêu giảm phát thải quốc gia đến năm 2030 và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh.

    Thứ hai, tổ chức tốt việc vận hành, phát triển thị trường các-bon ổn định

    Nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cùng với Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều Hội nghị về biến đổi khí hậu để tìm ra các phương án hiệu quả và thiết thực nhất. Theo đó, trao đổi các-bon được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán các-bon trên thị trường sẽ được thực hiện thông qua tín chỉ hay còn gọi là tín chỉ các-bon.

    Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước. Trong đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon. Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

    Thứ ba, quan tâm thúc đẩy dự án tín chỉ các – bon mới

    Năm 2023 đánh dấu mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng). Đây là kết quả của việc thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA) ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).

    Nguồn tiền thu được từ bán tín chỉ các-bon rừng sẽ dùng để chi trả cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên, các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

    Tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn CT Group chính thức ra mắt Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ Các-bon ASEAN (CCTPA), trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ các-bon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc. Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ Các-bon ASEAN trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ các-bon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế.

    Bên cạnh mục tiêu giảm lượng khí thải các-bon và giúp đạt được cam kết Net zero vào năm 2050. Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ Các-bon ASEAN còn đầu tư nghiên cứu ứng dụng Blockchain cho thị trường các-bon, đảm bảo sự minh bạch, tin cậy cao nhất và hiệu quả trong việc quản lý, cấp phát, chuyển giao, tính toán, theo dõi tín chỉ các-bon. Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ Các-bon ASEAN đã ký kết hợp tác với Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển, các đơn vị nghiên cứu khoa học, tổ chức tài chính và đơn vị kiểm định quốc tế… cộng hưởng các nguồn lực cùng kiến tạo những giải pháp đột phá, ứng dụng công nghệ xanh giảm phát thải các-bon, phối hợp tổ chức các Chương trình Chuyển đổi Xanh, vì mục tiêu Net Zero.

    Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành phố có biển với 125 huyện ven biển, trải dọc theo bờ biển dài hơn 3.260 km. Do đó, rừng ngập mặn có tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và phát triển bền vững cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng xanh. Rừng ngập mặn không chỉ là nguồn tài nguyên quý giá của cộng đồng, địa phương mà còn là thành phần quan trọng đóng góp vào hệ sinh thái “các-bon xanh” của Việt Nam.

    Trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu Lời hứa khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc do Chính phủ Anh hỗ trợ, Chương trình tiến hành đánh giá trữ lượng các-bon ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam và xác định các lộ trình tài chính bền vững cũng như tiềm năng của thị trường các-bon tại Việt Nam.

    Hướng tới thị trường các – bon, FPT IS (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) cùng Các-bon EX – nền tảng giao dịch tín dụng các-bon, chứng chỉ năng lượng tái tạo tại Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác cung cấp dịch vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy dự án tín chỉ các-bon theo các tiêu chuẩn toàn cầu như Verra Các-bon Standard, Gold Standard, J-Credit. Sự hợp lực của hai bên là mô hình đột phá để đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện mục tiêu Net Zero năm 2050.

    Có thể thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp và địa phương là quan trọng để có thị trường các-bon hoạt động hiệu quả trên toàn quốc, hướng đến mục tiêu chung là giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

    Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về các quy trình và phương thức để tiếp cận phát triển thị trường các-bon. Chính phủ đã và đang xúc tiến xây dựng thị trường này để tạo nguồn tài chính cho các hành động giảm phát thải khí nhà kính. Để thị trường các-bon thành công, những nội dung thông tin trên là cơ sở để Nhà nước và các doanh nghiệp cùng chung tay và phải được giải quyết với những phướng án, lộ trình phù hợp. Việc thực tế và phù hợp với Việt Nam; phải có sự minh bạch trong hạ tầng thể chế và tài chính cho các giao dịch trên thị trường các – bon. Đồng thời, phải có các biện pháp bảo vệ xã hội và môi trường đầy đủ để giảm thiểu mọi tác động tiêu cực của dự án cũng như và phát huy những tác động tích cực. Đây là yếu tố chiến lược cho phát triển kinh tế Xanh hiện nay và tương lai.

Theo: Phạm Duyên Minh

Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/dien-dan–trao-doi-21/phat-trien-thi-truong-cac–bon-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xanh-o-nuoc-ta-trong-tinh-hinh-moi-31591

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *