Trong Bộ luật Hình sự năm 1985 không quy định tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm thành 01 điều luật riêng, mà chỉ được quy định chung tại Điều 181 tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng.
Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được quy định tại Điều 190 BLHS năm 1999. Tại kỳ họp thứ 5 khoá XII, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 (viết tắt là BLHS năm 1999), trong đó có sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 190.
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt là BLHS năm 2015) quy định 02 điều luật về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm, cụ thể: Điều 234 tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (quy định tại Chương XVIII BLHS năm 2015 các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), Điều 244 tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Chương XIX BLHS năm 2015 (các tội phạm về môi trường).
So với tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ Điều 190 BLHS năm 1999 thì tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã Điều 234 BLHS năm 2015 có những điểm mới như: quy định trị giá động vật hoang dã hoặc sản phẩm của loài động vật; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật; Điều 244 quy định về số lượng cá thể hoặc sản phẩm; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời các tội này đã tăng mức phạt tiền đối với hình phạt chính và hình phạt bổ sung; tăng mức phạt tù đối với trường hợp phạm tội thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, bổ sung các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khác. Đặc biệt đã bổ sung, chủ thể mới chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại (khoản 5 Điều 234 và Điều 244).
– Thực trạng công tác đấu tranh chống vi phạm; tội phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và tội phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; tội phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động có tổ chức, liên quốc gia, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Công an các đơn vị, địa phương cả nước đã phát hiện 1.509 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; khởi tố 269 vụ với 377 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 1.066 vụ với tổng số tiền 10.924,58 tỷ đồng[1]
Điển hình: Ngày 5/6/2019, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thành phố Hải Phòng và Công an phường Vĩnh Niệm phát hiện xe ô tô mang BKS 14A – 322.07 do đối tượng Nguyễn Văn Giáp (sinh năm 1984, trú tại: phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển, trên xe có 08 cá thể Cao cát Phương đông. Đối tượng Giáp khai nhận được thuê chở từ thành phố Hải Phòng đi Móng Cái. Từ lời khai của Nguyễn Văn Giáp, lực lượng chức năng đã tiếp tục khám xét đột xuất một căn nhà tại phường Vĩnh Niệm, thành phố Hải Phòng và phát hiện đối tượng Nguyễn Duy Thành (sinh năm 1988, trú tại phường Vĩnh Niệm, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cùng một số đối tượng khác đang có hành vi nuôi, nhốt 46 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm bao gồm 14 cá thể Rái cá vuốt bé, 09 cá thể Niệc mỏ vằn, 08 cá thể Hồng hoàng, 04 cá thể Vẹt, 01 cá thể Mèo rừng và 10 cá thể Quắm đen. Toàn bộ số lượng cá thể động vật hoang dã bị nuôi nhốt trái phép sau đó đã được tịch thu và chuyển giao đến Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ngày 23/9/2019 Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tuyên phạt đối tượng Nguyễn Duy Thành 11 năm tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015[2].
– Một số vướng mắc liên quan tới quy định pháp luật trong phòng, chống tội phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và tội phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Thứ nhất, khó khăn trong việc áp dụng Điều 234 BLHS năm 2015. Theo quy định của Điều 234 BLHS năm 2015 thì đối tượng tác động của tội phạm này là: Động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước CITES hoặc bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 234 BLHS năm 2015 chưa định lượng để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự mà căn cứ vào giá trị của động vật hoang dã, điều đó gây vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đặc biệt là xác định giá trị của động vật hoang dã (trong khi đó tại Điều 244 BLHS năm 2015 tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm thì căn cứ vào số lượng cá thể bị xâm hại làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, định khung hình phạt),
Thứ hai, đối với trường hợp vật chứng còn sống nhiều trường hợp thiếu các phương tiện hỗ trợ, cứu hộ, thiếu nơi nuôi nhốt để chăm sóc, thiếu nguồn thức ăn khiến cho các loài động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm còn sống nhưng trong thời gian chờ xử lý lại bị thương, bị chết do bệnh tật hoặc quá yếu.
Đối với vật chứng là động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm đã chết, sản phẩm động vật (thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng…) hiện nay nhiều đơn vị của lực lượng Công an chưa có kho đông lạnh để bảo quản vật chứng do đó rất khó khăn cho việc quản lý vật chứng, trong quá trình tiến hành trưng cầu giám định và lấy kết quả giám định của cơ quan chức năng.
Thứ 3, ngày 17/6/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số: 2249/QĐ-BNN-TCLN về việc chỉ định cơ quan khoa học CITES Việt Nam, tại Điều 1 của Quyết định này chỉ định 04 tổ chức là Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam. Theo đó hiện nay cả nước chỉ có 01 cơ quan có chức năng giám định động vật gồm: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (địa chỉ số 18 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội)[3]. Do đó, việc đưa mẫu vật chứng đi giám định gặp nhiều khó khăn như khâu bảo quản, phương tiện, vận chuyển, thời gian, chi phí giám định.
Thứ tư, về công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm
Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm chưa thực sự được hiệu quả, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Còn một số người có tư tưởng muốn được sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng… vô hình chung đã “tiếp tay” cho hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm.
Thứ năm, công tác quan hệ phối hợp trong phòng, chống tội phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và tội phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm một số đơn vị chưa thực hiện tốt quan hệ phối hợp, chủ yếu theo yêu cầu một phía.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, kiến nghị sửa đổi, bổ sung tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã
Điều 234 BLHS năm 2015 thuộc Chương XVIII (các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế) theo tác giả, nên quy định tội danh này trong Chương XIX (các tội phạm về môi trường) bởi vì đối tượng tác động của tội phạm này là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”, việc quy định tội phạm này trong Chương XIX (các tội phạm về môi trường) sẽ phù hợp với khách thể, tính chất của hành vi phạm tội, phù hợp với Công ước CITES và các văn bản về bảo vệ động vật hoang dã của Nhà nước…
Trong cấu thành của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quy định tại Điều 234 BLHS năm 2015 dựa trên giá trị (tính bằng tiền) của động vật hoang dã, theo tác giả là chưa phù hợp, khó khăn trong định giá động vật hoang dã. Vì vậy, cần sửa đổi theo hướng số lượng cá thể động vật hoang dã cho thống nhất và thuận lợi trong việc áp dụng.
Hai là, kiến nghị về bảo quản vật chứng động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm
Đối với động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm còn sống, khi thu giữ, cần phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng, đặc biệt là các trường hợp động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm đã bị thương do săn bắt và cơ quan chức năng phải phối hợp ngay với cơ quan Kiểm lâm sở tại để tổ chức chăm sóc, bảo tồn về thiên nhiên.
Đối với động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm đã chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm cần phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng… trong trường hợp không có nơi cất giữ đảm bảo thì cơ quan bắt giữ lập biên bản, phối hợp ngay với cơ quan Kiểm lâm sở tại để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ba là, kiến nghị về cơ quan giám định
Đề nghị cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu sớm ban hành văn bản quy định về giám định tư pháp theo hướng như: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập cơ quan giám định và có Giám định viên nhằm giám định bảo vệ động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm.
Bốn là, kiến nghị về công tác tuyên truyền
Các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ý thức phòng, chống vi phạm và tội phạm; ý thức bảo vệ động vật hoang dã và động vật nguy cấp, quý, hiếm; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng Internet nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày, tuyên truyền, mua, bán mẫu vật động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm bị cấm theo quy định của pháp luật. Ngăn chặn các blog, youtube… các hoạt động săn, bẫy, bắt, tiêu thủ động vật hoang dã; quảng cáo, kinh doanh các phương tiện săn, bẫy, bắn động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và người dân trên địa bàn; hướng dẫn quần chúng nhân dân viết, ký cam kết về việc không kinh doanh, mua, bán, giết mổ, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo động vật hoặc bộ phận của động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm.
Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo lồng ghép đưa chương trình giáo dục bảo vệ các loài động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm vào các cấp bậc học phổ thông nhằm nâng cao nhận thức vai trò và bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm…
Năm là, kiến nghị về công tác quan hệ phối hợp
Thường xuyên tổng kết và tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và tội phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm giữa lực lượng các với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành Công an (Kiểm lâm, Bội đội biên phòng, Hải quan….). Thông qua công tác phối hợp này để chủ động phát hiện sớm tội phạm này cũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ động vật hoang dã và động vật nguy cấp, quý, hiếm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm và tội phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và tội phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo công ước CITES, đặc biệt cần tăng cường hiệu quả công tác hỗ trợ tư pháp đối với các nước trong các vụ việc về động vật hoang dã và nguy cấp, quý, hiếm có yếu nước ngoài.
[1] https://nhandan.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-buon-ban-trai-phep-dong-vat-hoang-da-quy-hiem-post708018.html
[2] https://www.vietnamplus.vn/phat-11-nam-tu-doi-tuong-nuoi-nhot-luong-lon-ca-the-dong-vat-hoang-da/743016.vnp
[3] Quyết định số: 2249/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ định cơ quan khoa học CITES Việt Nam.
Hà Đức Hiệp
Khoá CH29 – Học viện CSND
Dẫn nguồn theo: Đặc san Phát triển Kinh tế xã hội số (02)18/2022 của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội