Tại hai Hiệp định đều dành một chương riêng quy định về BVMT, phát triển bền vững (Chương 20 về Môi trường của CPTPP với 81 khoản; Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA với 41 khoản). Theo đó, các quy định yêu cầu các bên tham gia có nghĩa vụ thực hiện cam kết về BVMT, đa dạng sinh học (ĐDSH) và biến đổi khí hậu (BĐKH), các thiết chế thực thi và giải quyết tranh chấp phát sinh, bao gồm cả các cam kết về tính minh bạch và bảo đảm thực thi pháp luật trong CPTPP và EVFTA.
Các cam kết về tính minh bạch
Mỗi bên CPTPP phải tăng cường nhận thức về các chính sách và pháp luật môi trường của công chúng, bao gồm quy trình thực thi và tuân thủ, bằng cách đảm bảo các thông tin liên quan được công khai đến công chúng. Điều 13.12 EVFTA các bên phải đảm bảo các biện pháp môi trường được phát triển, giới thiệu và thực thi một cách minh bạch. Mục tiêu của yêu cầu bắt buộc này là đảm bảo tính minh bạch bằng cách yêu cầu các bên công khai thông tin liên quan đến các biện pháp nhà nước và thủ tục hành chính ngành môi trường. Điều này nên nhìn trong bối cảnh lớn hơn của Chương 20 CPTPP yêu cầu sự minh bạch hơn trong một số điều khoản. Ví dụ, các bên CPTPP cũng được yêu cầu cung cấp thông tin về các chương trình và hoạt động liên quan đến bảo vệ tầng ozone (Điều 20.5 (2) CPTPP), ô nhiễm biển từ tàu (Điều 20.6 (2) CPTPP), và bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học (Điều 20.13 (5) CPTPP) có sẵn công khai. Do đó, Chương 20 CPTPP yêu cầu về tính minh bạch đối với các thông tin về (1) pháp luật môi trường; (2) quy trình thực hiện và sự thuân thủ; (3) các chương trình và hành động. Theo pháp luật hiện này thì minh bạch đối với nội dung (1) và (2) đã tương đối đầy đủ với các quy định liên quan đến luật tiếp cận thông tin, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đạo luật về tố tụng, thanh tra, tiếp công dân …. Tuy nhiên, đối với nội dung (3) là công khai về các chương trình và hành động của Chính phủ trong bảo vệ môi trường còn hạn chế đó là việc công khai các chương trình, dự án, đề án cụ thể do Nhà nước đầu tư để bảo vệ môi trường và bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện ở nước ta còn hạn chế, chủ yếu chỉ công khai tên chương trình hoặc công khai trong kế hoạch thực hiện, và sự tham gia của người dân của cộng đồng còn ở mức độ thấp.
Việc công khai thông tin nêu trên thì CPTPP cho phép các Bên tự do quyết định cách thức công bố thông tin nào phù hợp nhất với hoàn cảnh quốc gia. Các tùy chọn bao gồm các ấn phẩm hoạt động ví dụ trên các trang web, nhưng cũng có quyền truy cập thông tin. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư đưa ra các yêu cầu về tiếp cận thông tin trong hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư. Vì vậy, cần phải có các cơ chế hiệu quả hơn để thi hành, tránh những khiếu nại có thể phát sinh từ các nhà đầu tư theo quy định của CPTPP.
Ở mức độ khác, Điều 13.12 EVFTA yêu cầu các bên phải đảm bảo những người quan tâm có cơ hội để bày tỏ quan điểm của họ liên quan đến sự phát triển, giới thiệu và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường. Do EVFTA quan tâm đến môi trường ở khía cạnh thương mại, do vậy các cam kết về minh bạch của EVFTA trong chương này còn được quy định ở mức độ chung chung; cam kết cụ thể về minh bạch được quy định tại Chương 14.
Các cam kết liên quan đến bảo đảm thực thi pháp luật
Điều 20.7.(2) CPTPP yêu cầu Việt Nam phải bảo đảm rằng bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào sinh sống hoặc thành lập trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam có thể tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và cơ quan có thẩm quyền phải xem xét việc tố cáo đó một cách thỏa đáng, theo quy định của pháp luật. Điều 20.7.(3) của CPTPP yêu cầu các quốc gia phải có thủ tục tư pháp, bán tư pháp hoặc hành chính để thực thi pháp luật môi trường. Các thủ tục đó phải công bằng, bình đẳng, minh bạch và tuân theo trình tự phù hợp. Tất cả các phiên xử phải công khai, trừ khi thủ tục tư pháp có quy định khác, theo quy định của pháp luật quốc gia đó. Theo Điều 20.7 (4) CPTPP, mỗi Bên phải đảm bảo rằng những người có lợi ích được công nhận theo luật của mình trong một vấn đề cụ thể có quyền truy cập thích hợp vào các thủ tục tố tụng. Liên quan đến yêu cầu này, quyền khởi kiện và quyền tham gia tích cực trong tố tụng nên được xem xét. Điều 20.7.(5) của CPTPP yêu cầu các bên có các biện pháp chế tài phù hợp đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường nhằm bảo đảm thực thi. Các chế tài đó bao gồm cả việc đòi bồi thường và quyền yêu cầu nhà nước có biện pháp ngăn chặn, trừng phạt. Điều 20.7.(6) còn yêu cầu việc đưa ra các mức chế tài phải tính đến các yếu tố hợp lý liên quan, ví dụ như bản chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, thiệt hại đến môi trường và các lợi ích kinh tế mà người vi phạm có được từ hành vi vi phạm.
Quy định hiện nay của nước ta, đã cơ bản đáp ứng các cam kết về bảo đảm thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế còn nhiều hạn chế. Đây chính là rủi ro dẫn đến nảy sinh tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của các nhà đầu tư nước ngoài vì các các cam kết này sẽ là căn cứ để nhà đầu tư có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp để buộc các nhà đầu tư thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo đảm sự công bằng trong hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường giữa các nhà đầu tư, tránh lợi thế cạnh tranh được tạo ra từ việc đầu tư thấp cho hoạt động bảo vệ của nhà đầu tư.
Theo cspl-tnmt.monre.gov.vn
Dẫn theo nguồn: http://cspl-tnmt.monre.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/cac-cam-ket-ve-tinh-minh-bach-va-bao-dam-thuc-thi-phap-luat-.html