Ngày 4/12/2020, tại TP. Hải Dương, Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Cầu đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án BVMT LVS Cầu giai đoạn 2006 – 2020 và định hướng quản lý môi trường LVS giai đoạn tiếp theo.
Tham dự Hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu Nguyễn Dương Thái; Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu Võ Tuấn Nhân cùng đại diện Bộ, ngành, địa phương và các thành viên thuộc Ủy ban BVMT LVS Cầu…
Ủy ban BVMT LVS Cầu được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 171/2007/QĐ -TTg ngày 14/11/2007, là tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện “Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu”. Việc thành lập các Ủy ban BVMT LVS Cầu đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác BVMT nói chung và BVMT LVS nói riêng. Chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu được chuyển giao luân phiên cho Chủ tịch UBND các tỉnh thể hiện sự tin tưởng vào vai trò của từng địa phương trong nỗ lực BVMT đối với toàn lưu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, trong hơn 10 năm thực hiện, dưới sự điều hành, chỉ đạo của Ủy ban BVMT LVS Cầu, sự nỗ lực thực hiện của 6 tỉnh và phối hợp của các Bộ, ngành, Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: Giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường LVS liên vùng, liên tỉnh; kiến nghị, đề xuất các hành lang pháp lý trong giải quyết các vấn đề môi trường LVS liên vùng, liên tỉnh; duy trì và cải thiện chất lượng nước LVS Cầu trong bối cảnh đầu tư và phát triển kinh tế trên LVS Cầu ngày càng sôi động; công tác thanh tra, kiểm tra đã đẩy mạnh, tập trung vào các cơ sở có lưu lượng xả thải 100 m3/ngày, đêm trở lên… Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường LVS Cầu, trong giai đoạn 2021- 2025, các địa phương cần đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, có tính khả thi để kiểm soát ô nhiễm môi trường LVS.
Trong giai đoạn 2006 – 2020, Ủy ban BVMT LVS Cầu đã tổ chức thành công được 16 Phiên họp và 5 Lễ chuyển giao nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS; đã đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án BVMT LVS Cầu tại từng địa phương; thống nhất kế hoạch triển khai tại từng địa phương và trên toàn LVS; đánh giá những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thực hiện cho các năm tiếp theo. Uỷ ban BVMT LVS Cầu có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Đề án BVMT LVS Cầu; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện triển khai Đề án BVMT LVS Cầu. Văn phòng Ủy ban BVMT LVS Cầu đã có nhiều nỗ lực giúp Uỷ ban BVMT LVS Cầu chuẩn bị các Phiên họp Uỷ ban, xây dựng các báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề BVMT LVS Cầu nói riêng và LVS nói chung. Đồng thời, giải quyết vấn đề ô nhiễm liên tỉnh trên sông Cầu giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh các năm 2016, 2018, 2020; điểm nóng ô nhiễm môi trường như cá chết trên sông; khai thác cát…
Hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT, BVMT LVS đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy công tác BVMT LVS Cầu. Cùng với đó, các tỉnh trên LVS Cầu cũng đã ban hành hơn 100 văn bản thực thi tại địa tập trung vào xả lý nước thải và rác thải sinh hoạt.
Tính đến nay, có 6/6 tỉnh LVS đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện “Kế hoạch triển khai Đề án sông Cầu 2013 – 2015″ trên địa bàn tỉnh; đã xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện 18 dự án tại 6 tỉnh thuộc LVS Cầu với tổng kinh phí nhiều nghìn tỷ đồng. Các tỉnh đã triển khai hàng chục dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT trong lưu vực như: Dự án trồng rừng đầu nguồn sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn, dự án Nạo vét sông Cầu đoạn chảy qua nội thành thành phố Bắc Kạn, lò đốt rác thải tập trung công suất 150 tấn/ngày, đêm và đưa vào vận hành vào cuối năm 2017; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khu vực phía Bắc thành phố Thái Nguyên; Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, cơ chế hỗ trợ xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt của các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; cơ chế thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn của các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc; công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt của các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; kiểm soát xả thải của các KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình xử lý chất thải của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại… Đây là những sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT LVS.
Bên cạnh đó, các dự án có nguồn ngân sách từ Trung ương, giai đoạn 2013-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia là Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã hỗ trợ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh với các dự án xử lý ô nhiễm trọng điểm; nguồn vốn ODA đã triển khai nhiều dự án, như “Ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện nguồn nước sông Cầu bằng việc kiểm soát và xử lý các chất thải hữu cơ có độ bền cao trong nước rỉ rác bằng phương pháp ôxi hóa nâng cao kết hợp sinh học”, địa điểm thí điểm bãi rác Xuân Hòa, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc LVS Cầu; Dự án Jica “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước LVS” trong 3 năm từ 2016-2018; cập nhật thông tin về nguồn thải và cơ sở dữ liệu môi trường về LVS Cầu…
Đến nay, đã có 3/6 tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt Quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn gồm các tỉnh: Hải Dương (Quyết định số 4328/QĐ-UBND ngày 11/12/2009); Thái Nguyên (Quyết định số 2547/QĐ-UBND ngày 29/11/2013); Vĩnh Phúc (Quyết định số 3879/QĐ-UBND ngày 29/12/2014); Đối với Quy hoạch quản lý chất thải rắn LVS Cầu đến năm 2020, đã có 5/6 địa phương trong lưu vực phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn, riêng tỉnh Bắc Ninh chưa phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.
Ngoài ra, từ năm 2015 – 2019, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Sở TN&MT tiến hành triển khai công tác thanh, kiểm tra tổng số 345 cơ sở trên 6 tỉnh: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương và Vĩnh Phúc; trong đó phát hiện 68 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 12.207.662 triệu đồng. Giai đoạn 2006 – 2020, Bộ Công an (lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) đã tiến hành trực tiếp xử lý 4.000 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 72,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2006 – 2020, các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 8.181 sở và xử lý nghiêm 1.437 cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT với số tiền hơn 77.645 tỷ đồng; không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới trên LVS Cầu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai Đề án, vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Việc vi phạm pháp luật BVMT trên LVS Cầu vẫn diễn biến phức tạp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Ý thức trách nhiệm về BVMT của một bộ phận lãnh đạo các cấp chính quyền còn chưa cao, còn nặng ưu tiên phát triển kinh tế mà xem nhẹ các yêu cầu về BVMT; Công tác thống kê các nguồn nước thải vào LVS Cầu của các địa phương đã được thực hiện, nhưng chưa thường xuyên, chưa xây dựng thành cơ sở dữ liệu dẫn đến chia sẻ, tổng hợp và đánh giá trên toàn lưu vực khó khăn; Công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương vẫn còn các hạn chế….
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Ủy ban BVMT LVS Cầu Nguyễn Dương Thái cho biết, trong giai đoạn tới, Ủy ban sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, BVMT” được quy định tại Điều 8 và 9 của Luật BVMT sửa đổi, trong đó ưu tiên LVS Cầu để thay thế Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu” đã kết thúc năm 2020. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Cầu đề xuất đổi mới tổ chức bộ máy hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Cầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù cho LVS nói chung và LVS Cầu nói riêng, đặc biệt là chính sách thu hút, phân bổ nguồn vốn để thực hiện một số nhiệm vụ, dự án về cải thiện chất lượng nước LVS Cầu, chính sách hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đầu nguồn.
Đặc biệt, UBND các địa phương trên LVS Cầu cần xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh và các nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội; tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quy định tại Điều 8 và 9 của Luật BVMT năm 2020, triển khai thực hiện việc theo dõi, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt bảo đảm nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của nguồn nước. Các giải pháp BVMT nước sông phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước. Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý nước thải tại LVS; kiểm soát chặt tại nguồn.
Theo Hồng Nhung/tapchimoitruong.vn
Dẫn theo nguồn: http://tapchimoitruong.vn/su-kien-hoat-dong-27/day-manh-phoi-hop-giai-quyet-cac-van-de-o-nhiem-moi-truong-lien-vung-lien-tinh-tren-luu-vuc-song-cau-21825