Ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”. Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách cũng như giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế của Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL); Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
Kinh tế xanh là xu hướng phát triển tất yếu
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết, hiện nay, tăng trưởng xanh, chuyển dịch xanh đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, được thể hiện thông qua các chiến lược quốc gia và khuôn khổ pháp lý, cụ thể như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022… Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu khai mạc Diễn đàn
Như vậy, có thể nói, phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đã là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định, phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy BVMT sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên nhận định, Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, công cuộc chuyển dịch phát triển theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Việt Nam. Nếu không giải quyết kịp thời, những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ tiếp tục được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới; hơn nữa, các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, khí hậu… đây là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.
Cần có hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh
Diễn đàn đã lắng nghe tham luận về: Chuyển đổi xanh – Xu hướng tất yếu trong phát triển bền vững nền kinh tế; Kinh tế số song hành kinh tế xanh: Cơ hội và thách thức; Thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế xanh: Thực trạng và giải pháp; Đổi mới công nghệ: Then chốt quan trọng trong phát triển kinh tế xanh; Hành lang pháp lý để Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển xanh; Cơ hội việc làm trong quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam… Trong phần thảo luận, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh nội dung về giải pháp và cơ hội thúc đẩy nền kinh tế xanh trong doanh nghiệp tại Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần chú trọng thực hiện tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua tăng đầu tư cho nghiên cứu – phát triển công nghệ mới; ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ. Tăng cường kết nối, liên kết thông qua thúc đẩy liên kết giữa viện – trường – doanh nghiệp; Xây dựng các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách thông qua hoàn thiện khung pháp lý, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho đổi mới công nghệ; Xây dựng hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và an ninh mạng… Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia để hiện thực hóa tầm nhìn; có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh với mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Đối với các doanh nghiệp, cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Về phía các Trường đại học, Viện nghiên cứu, cần đổi mới đào tạo, liên kết với doanh nghiệp, ươm mầm ý tưởng sáng tạo về kinh tế xanh…
Toàn cảnh Diễn đàn
Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên Tạ Thị Yên đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện nền KTX tại Việt Nam như: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế; tạo được sự đồng thuận, đồng lòng từ Chính phủ đến doanh nghiệp và người dân nhằm giải quyết các thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên… Bên cạnh đó, tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường; đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm có thể tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất, tái chế, để giảm thiểu phát sinh chất thải gây ô nhiễm cho môi trường. Mặt khác, cần tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ song phương và đa phương, lan tỏa thông điệp về một Việt Nam quyết tâm chuyển đổi xanh, học hỏi công nghệ, là đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết bài toán chung của toàn cầu.
Chia sẻ về vấn đề đổi mới công nghệ trong phát triển kinh tế xanh, ông Chử Đức Hoàng – Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, đổi mới công nghệ là quá trình ứng dụng các ý tưởng, phương pháp, quy trình công nghệ mới hoặc cải tiến vào thực tiễn sản xuất và đời sống, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo ra giá trị mới. Tại Việt Nam, đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong sản xuất. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ ở nước ta mới chỉ tập trung vào việc ứng dụng, cải tiến các công nghệ sẵn có, chưa chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn, công nghệ mới. Vì vậy, đổi mới công nghệ đóng là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam, các chính sách, giải pháp hỗ trợ về đầu tư, kết nối, pháp lý và phát triển nguồn nhân lực sẽ cần được ưu tiên và chú trọng triển khai thực hiện.
Theo: Thu Hằng/tapchimoitruong.vn
Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/su-kien-hoat-dong-27/dien-dan-doanh-nghiep-viet-nam-day-manh-phat-trien-kinh-te-xanh-29880