Ngày 16/10/2023, Cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) phối hợp với Ban Thư ký Chính sách Đại dương (Văn phòng Nội các Nhật Bản) tổ chức Chương trình Đối thoại chính sách kinh tế biển Việt Nam – Nhật Bản năm 2023. Đây là hoạt động quan trọng nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chính sách biển và đại dương giữa Bộ TN&MT với Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 8/10/2018. Đồng thời, là đối thoại theo hình thức trực tiếp đầu tiên giữa Ban Thư ký Chính sách đại dương Nhật Bản và Cục Biển và Hải đảo.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Nguyễn Đức Toàn cho biết, thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của đại dương và hành động “vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng cho tất cả các quốc gia có biển, thậm chí là cả các quốc gia không có biển. Cũng giống như Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia biển, đặc biệt coi trọng việc xây dựng và triển khai các chính sách, chiến lược quốc gia về biển. Nhật Bản đã ban hành Luật Chính sách đại dương vào năm 2007 (Chiến lược biển của Nhật Bản) cùng thời điểm với Việt Nam ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Việc trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm của Nhật Bản về chính sách, chiến lược biển có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn đối với Việt Nam hiện nay.
Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn hy vọng, Đối thoại là cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm và thực tiễn về quản lý biển, cụ thể là các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT biển và những kết quả đối thoại sẽ góp phần tăng cường kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản nói chung, Ban Thư ký Chính sách Đại dương, Văn phòng Nội các Nhật Bản với Cục Biển và Hải đảo nói riêng.
Toàn cảnh Chương trình Đối thoại
Theo ông MIYAZAWA Koi-chi, Tổng Thư ký Ban Thư ký Chính sách đại dương quốc gia Nhật Bản, Chương trình Đối thoại chính sách kinh tế biển Việt Nam – Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong năm 2023 (năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản). Ông MIYAZAWA Koi-chi nhấn mạnh, với đường bờ biển dài và hàng nghìn hòn đảo, Nhật Bản luôn coi việc sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước. Thực tế cho thấy, Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này để xây dựng chiến lược chính sách quản lý biển và đại dương.
Tổng Thư ký MIYAZAWA Koi-chi cũng mong muốn,, thông qua Chương trình Đối thoại, cơ quan chức năng 2 bên sẽ đưa ra các đề xuất hợp tác; phối hợp về kinh tế biển giữa Cục Biển và Hải đảo với Ban Thư ký Chính sách Đại dương trong thời gian tới.
Tại Chương trình Đối thoại, các đại biểu lắng nghe nhiều báo cáo tham luận xoay quanh một số nội dung chính: Tổng quan về chính sách, pháp luật biển và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; một số khó khăn, vướng mắc trong việc giao khu vực biển, đặc biệt là giao khu vực biển để điều tra, khảo sát điện gió ngoài khơi; một số vấn đề về kiểm soát, ngăn ngừa và giảm ô nhiễm môi trường biển; tổng quan chính sách quản lý biển của Nhật Bản; kinh nghiệm kinh tế biển xanh ở Nhật Bản; Chính sách khuyến khích điện gió ngoài khơi của Nhật Bản; kinh nghiệm của Nhật Bản trong phòng ngừa , phát hiện, xử lý ô nhiễm biển và bảo vệ hệ sinh thái biển; cập nhật tình hình thực hiện kinh tế biển xanh của Nhật Bản.
Tại phần thảo luận, các đại biểu cũng tập trung chia sẻ về kinh nghiệm quản lý biển, kinh tế biển, môi trường biển, đặc biệt là định hướng hợp tác giữa 2 bên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo: Châu Long
Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/su-kien-hoat-dong-27/doi-thoai-chinh-sach-kinh-te-bien-viet-nam–nhat-ban-nam-2023-29258