PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng
PV: Bà đánh giá thế nào về Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này?
PGS.TS Bùi Thị An: Tôi đánh giá cao sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của Ban soạn thảo, đặc biệt của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Có thể nói, Dự thảo Luật lần này đã phù hợp với những quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật của Việt Nam và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bám sát, thể chế hóa yêu cầu về BVMT trong các Nghị quyết của Đảng; phù hợp với Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều cần chỉnh sửa, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật BVMT (sửa đổi) với các luật, chính sách pháp luật khác, đồng thời, tăng cường hiệu quả thực thi.
PV: Xin bà cho biết một số quy định mới về việc phân loại rác tại nguồn được thể hiện trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) như thế nào?
PGS.TS Bùi Thị An: Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn là rất thấp. Các bãi chôn lấp ngày càng quá tải, công nghệ xử lý rác thải lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề trên, một trong các giải pháp căn bản là phải đẩy mạnh phân loại CTRSH tại nguồn. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới và bài học rút ra từ Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn của TP. Hồ Chí Minh, tôi cho rằng, cần phải có các quy định phù hợp để vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của người dân trong phân loại CTRSH.
Tại Phiên họp thứ 47, kỳ họp thứ 9, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào ngày 12/8/2020 về một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo BVMT (sửa đổi), các thành viên của UBTVQH rất quan tâm đến nội dung trên, đặc biệt là 2 quan điểm khác nhau của một số đại biểu Quốc hội liên quan đến nội dung này: Một là, người dân phải nộp phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và phải đảm bảo công bằng theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Hai là, người dân không phải trả khoản phí này, mà có thể bán chất thải, còn đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải là bên mua rác. Nếu quy định như vậy, sẽ giúp khuyến khích, thúc đẩy người dân phân loại CTRSH tại hộ gia đình. Tôi cho rằng, Dự thảo Luật nên quy định theo hướng kết hợp cả 2 đề xuất trên là tốt nhất. Theo đó, việc quy định người dân có thể bán các loại CTRSH có khả năng tái chế, tái sử dụng (các chai lọ nhựa, thủy tinh; vỏ hộp, thùng giấy, thùng carton…) sẽ tạo mối liên kết và tương thích với Điều 55 của Dự thảo Luật. Điều 55 quy định, “các doanh nghiệp có trách nhiệm phải thu hồi, tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất và nhập khẩu, nếu không thì sẽ phải nộp tiền vào Quỹ BVMT để cơ quan, tổ chức khác thực hiện nhiệm vụ này”. Tuy nhiên, đối với chất thải hữu cơ thì không nên áp dụng quy định này, vì thực tế giá trị kinh tế của chất thải hữu cơ không cao, nếu người dân bán loại chất thải này thì cũng không thu được nhiều tiền. Nhưng với các đơn vị dịch vụ thu gom, xử lý thì chất thải hữu cơ có thể tái chế được, nên cần khuyến khích họ đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặt khác, để gia tăng trách nhiệm của người dân trong việc phân loại CTRSH tại nguồn, đối với những loại chất thải khó, hoặc không thể tái chế (túi ni lông; băng, tã vệ sinh; vải, sợi; đồ gỗ, sành, sứ…) và các chất thải nguy hại (pin, ắc quy, chất thải điện tử; vỏ chai lọ hóa chất…), nếu người dân thải ra sẽ phải nộp phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Ngoài ra, Điều 56 của Dự thảo cũng quy định, “các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm khó có khả năng tái chế phải có trách nhiệm trong việc thu gom và xử lý”. Do vậy, trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới Luật, Bộ TN&MT cần nghiên cứu kỹ và tham khảo ý kiến của các chuyên gia nhằm cân đối nguồn thu phí, đảm bào hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và người dân.
PV: Theo Dự thảo Luật, những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại rác thải sẽ phải trả chi phí cao hơn so với tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại rác. Theo bà, quy định như vậy có phù hợp không?
PGS.TS Bùi Thị An: Như đã nêu ở trên, việc phân loại rác thải tại nguồn là biện pháp cần thiết và bắt buộc phải làm để cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra. Hiến pháp năm 2013, Luật BVMT năm 2014 và các chính sách pháp luật về BVMT cũng đều quy định, việc BVMT là trách nhiệm của cả cộng đồng – xã hội và mỗi người dân. Vì vậy, Dự thảo Luật quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp để nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn. Thậm chí, trong thời gian tới, cần phải tăng cường chế tài xử phạt với những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại rác thải, gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, để một quy định, chính sách mới đi vào cuộc sống, tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền gồm Chính phủ, Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, thành phố cần có cơ chế thực hiện phù hợp. Đặc biệt, do mức độ phát triển giữa các địa phương không đồng đều, nên cần phải có lộ trình thực hiện cụ thể cho từng vùng, địa phương. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm và cách thức thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi thu phí.
Phân loại rác tại nguồn là biện pháp cần thiết để cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường do CTRSH
PV: Bà có ý kiến gì khi Dự thảo Luật lần này có quy định về quyền trực tiếp tham gia giám sát thực thi BVMT của người dân trong công tác BVMT?
PGS.TS Bùi Thị An: Đây là một nội dung mà JEH, trong đó, Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng là một thành viên, đã kiến nghị trực tiếp tới cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Kiến nghị của JEH đã được các đại biểu Quốc hội tán thành, ủng hộ. Việc người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý và giám sát thực thi pháp luật là một trụ cột chính của thể chế quản trị công; đồng thời, thể hiện tính dân chủ đã được đưa ra tại Điều 28, Hiến pháp của Việt Nam năm 2013, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 48-NQ/TW về việc chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Bộ Chính trị ban hành.
Kiến nghị của JEH đã được cơ quan thẩm tra tiếp thu và chỉnh lý trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này theo hướng cộng đồng dân cư có thể tham gia trực tiếp vào việc giám sát và thực thi pháp luật BVMT. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng mở rộng phạm vi người đại diện cho cộng đồng dân cư là người do hội nghị cộng đồng dân cư bầu làm đại diện được chính quyền địa phương công nhận.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được UBTVQH khóa XI ban hành, việc lựa chọn người đại diện của cộng đồng dân cư là nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, không cần sự công nhận của chính quyền địa phương. Do đó, để phù hợp và không chồng chéo về chính sách, pháp luật, Ban soạn thảo nên xem xét chỉnh sửa quy định “người đại diện được cộng đồng dân cư bầu ra phải được chính quyền địa phương công nhận” tại Khoản 2, Điều 65 của Dự thảo Luật lần này.
Ngoài các nội dung trên, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, sửa đổi và bổ sung nội dung về thuế, phí BVMT sao cho đồng bộ với các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, phí nói chung. Nếu cần thiết, sau Luật BVMT (sửa đổi), các cơ quan liên quan có thể nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi Luật Thuế BVMT năm 2010, Luật Phí và lệ phí năm 2015 sao cho phù hợp, thống nhất với Luật BVMT (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến BVMT không khí của Việt Nam, Dự thảo Luật nên khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, nâng cấp các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực này để giảm thiểu ô nhiễm không khí, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và tiệm cận với các nước trên thế giới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà!
Phương Tâm (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2020)