Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 20/11/2023 về việc thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025” trên địa bàn.
7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Theo đó, đến năm 2025, phát triển ngành công nghiệp môi trường thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của Thành phố, cơ bản đáp ứng nhu cầu về BVMT; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm BVMT có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Thành phố; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Cụ thể, phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu BVMT Thủ đô, phát triển các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh đáp ứng khoảng 70 – 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải; 60 – 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn; 70 – 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải; khoảng 50 – 60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải; 40 – 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60 – 70% nhu cầu sản phẩm BVMT; 40 – 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60 – 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20 – 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 – 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, gồm: (i) Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường; (ii) Phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; (iii) Kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường; (iv) Thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường; (v) Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố; (vi) Phát triển dịch vụ môi trường; (vii) Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường.
UBND Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Công Thương kết quả thực hiện; tuyên truyền nâng cao nhận thức về công nghiệp môi trường; sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, rà soát các doanh nghiệp công nghiệp môi trường; đề xuất thu hút đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ và phát triển các dự án công nghiệp môi trường.
Ảnh minh họa
Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển công nghiệp môi trường trong Kế hoạch này vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của thành phố phát triển bền vững.
UBND Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp công nghiệp môi trường chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã của Thành phố để được hỗ trợ, tham gia thực hiện nội dung của Kế hoạch.
Một số nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2024
UBND TP. Hà Nội đề ra những nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch và giao các cơ quan chủ trì thực hiện trong năm 2024 cũng như thực hiện thường xuyên hàng năm.
Sở TN&MT: Tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung tiêu chí, cơ chế, chính sách thu hút đầu phát triển công nghiệp môi trường, hình thành khu xử lý, tái chế chất thải; tham mưu xây dựng bộ đơn giá dịch vụ môi trường trên địa bàn Thành phố; xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển dịch vụ môi trường của Thành phố đến năm 2025
Sở Công Thương: Rà soát, phân loại các doanh nghiệp công nghiệp môi trường trên địa bàn Thành phố; đề xuất thu hút đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và phát triển các dự án công nghiệp môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ: Tham mưu xây dựng cơ chế khuyến khích hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại trên địa bàn Thành phố.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Lồng ghép đưa nội dung phát triển công nghiệp môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố giai đoạn và hằng năm để tổ chức thực hiện hiệu qủa.
Đối với các nhiệm vụ thực hiện thường xuyên hàng năm.
Thực hiện các nhiệm vụ về: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về công nghiệp môi trường; phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường và phát triển dịch vụ môi trường. Cụ thể:
Sở Công Thương: Phổ biến chính sách, pháp luật ngành công nghiệp môi trường; sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững; hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghiệp môi trường trong và ngoài nước trao đổi thông tin, tài liệu nghiên cứu, phát triển các dự án công nghiệp môi trường; kêu gọi đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung tại các cụm công nghiệp.
Sở TN&MT: Phát triển công nghệ quy trình phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp môi trường đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn đô thị tập trung; chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp môi trường phát triển các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn môi trường trên địa bàn Thành phố.
Sở Khoa học và Công nghệ: Nghiên cứu phát triển, hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; công nghệ sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học phát triển, làm chủ và chuyển giao công nghệ môi trường của các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ chuyển giao công nghệ chế tạo thiết bị và sản xuất sản phẩm môi trường thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp môi trường.
Sở Tài chính: Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa sắp xếp lại các doanh nghiệp công nghiệp môi trường thuộc khu vực nhà nước.
Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất: Kêu gọi đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung tại các khu công nghiệp.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp công nghiệp môi trường trên địa bàn thành phố thực hiện phối hợp với các Sở, đơn vị chủ trì các nhiệm vụ của Kế hoạch để tham gia thực hiện các nhiệm vụ vụ thể trên. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có phát sinh vướng mắc hoặc cần phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, các cơ quan, tổ chức đơn vị liên quan kịp thời báo cáo UBND thành phố qua Sở Công Thương để xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Theo: Châu Loan
Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/phap-luat–chinh-sach-16/ha-noi-thuc-hien-de-an-phat-trien-nganh-cong-nghiep-moi-truong-den-nam-2025-29514