Nhân dịp tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), kết hợp hoạt động song phương tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), ngày 2/12/2023, tại TP. Dubai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE và Hội đồng năng lượng gió toàn cầu phối hợp tổ chức. Diễn đàn thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam; đại diện Ban Tổ chức COP28 UAE và gần 200 nhà lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp UAE và quốc tế trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất, tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư.
Tại Diễn đàn, Lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là chiến lược phát triển xanh của Việt Nam; đồng thời cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng lượng gió. Trên cơ sở đó, các đại biểu thảo luận sâu về giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam nhờ phát huy tiềm năng năng lượng gió và đề xuất mục tiêu chính sách quan trọng liên quan; vai trò của các Tập đoàn đa quốc gia đối với quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam; giải pháp để khuyến khích sự tham gia của ngành Tài chính vào quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam; điều kiện cần thiết để huy động nguồn tài chính quy mô lớn cho Việt Nam…
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ cảm kích trước sự đón tiếp nồng hậu của nước chủ nhà UAE và tin tưởng COP28 sẽ thành công tốt đẹp, với kết quả như mong đợi. Thông tin tới Diễn đàn về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Phạm Chính cho biết, Việt Nam xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có văn hóa, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Việt Nam cũng đang tập trung 3 đột phá chiến lược, gồm đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế; đột phá về phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông; đột phá về phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, có hệ thống chính sách thông thoáng, hệ thống hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, đáp tứng yêu cầu phát triển, trong đó có yêu cầu của doanh nghiệp.
Thủ tướng đánh giá, kể từ sau Hội nghị COP 26, thế giới đã có những thay đổi to lớn và nhanh chóng, song tình hình chung là khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Song, nhờ thực hiện các chính sách trên, trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Hiện Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới. Trong đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, coi đây là lựa chọn khách quan và chiến lược của Việt Nam…Do là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn; sức chống chịu từ các cú sốc còn hạn chế… nên để chuyển đổi xanh Việt Nam cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ, hợp tác về tài chính, công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học quản trị tiên tiến và xây dựng thể chế phù hợp với tình hình, hoàn cảnh Việt Nam, kiến tạo cho phát triển.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, ban hành các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với tiền năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; hỗ trợ tháo gỡ về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp; luôn luôn cầu thị, lắng nghe để hoàn thiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, thúc đẩy phát triển; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Thủ tưởng khẳng định, sẽ không làm phụ lòng các doanh nghiệp, đồng thời mong muốn các đối tác đã tin cậy, hợp tác, sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển xanh, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tại Diễn đàn, nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết như: Thỏa thuận thiết lập và tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm thải các-bon giữa Tập đoàn CT với Tập đoàn Fraimont và giữa Tập đoàn CT với Tập đoàn ACX; Thỏa thuận hợp tác thương mại giữa Công ty Vinfast và Tập đoàn Thương mại UAE. Đặc biệt trong lần này, Vietjet và Công ty quản lý vốn hàng đầu của Các Tiểu Vương Quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) Novus Aviation Capital đã ký kết Thỏa thuận thành lập liên doanh tài chính tàu bay và hợp tác cung cấp nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) tại Việt Nam. Theo đó, liên doanh với Novus bước đầu sẽ cung cấp tài chính cho 15 tàu bay mới được Vietjet đặt hàng với các nhà sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới Boeing và Airbus và được giao hàng từ năm 2024. Dự kiến liên doanh tài chính sẽ tiếp tục được mở rộng và hướng đến các hoạt động tài trợ tài chính toàn diện cho Vietjet và các hãng hàng không khác.
Bên cạnh đó, Vietjet cũng ký kết đặt hàng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) với công ty SAF One nhằm hướng tới một tương lai hàng không xanh và đóng góp tích cực vào nỗ lực giảm lượng khí thải carbon trong ngành hàng không. Với thỏa thuận này, Vietjet đồng thời là hãng hàng không tiên phong tham gia vào hợp tác nghiên cứu, phát triển và sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. SAF là loại nhiên liệu làm từ chất thải như dầu ăn đã qua sử dụng để cắt giảm lượng khí thải đáng kể ra môi trường so với nhiên liệu truyền thống.
Theo: Châu Long
Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/dien-dan–trao-doi-21/huy-dong-nguon-luc-cho-chuyen-doi-xanh-29512