Các điểm tập kết CTR sinh hoạt quen thuộc là lòng đường và vỉa hè |
Đề nghị một số giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ trình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTR sinh hoạt và để biến CTR sinh hoạt thành “tài nguyên”.
1. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện cơ sở, hạ tầng phục vụ hoạt động tái chế, xử lý CTR sinh hoạt
– Khẩn trương thực hiện xây dựng các khu xử lý CTR theo quy hoạch xử lý CTR thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25/4/2014; Theo Quy hoạch có 17 khu xử lý CTR được quy hoạch, trong đó có 08 khu hiện có được nâng cấp, mở rộng; 09 khu đầu tư mới và 05 trạm trung chuyển CTR.
+, Đến nay, trong 08 khu hiện có được nâng cấp, mở rộng mới chỉ được thực hiện tại Khu xử lý CTR Xuân Sơn (Vùng III) và Khu xử lý chất thải Nam Sơn (Vùng I); Các Khu còn lại nhưng chưa được mở rộng, đầu tư, cụ thể như sau: 01 khu hiện có trong quy hoạch nhưng đến nay mới thực hiện xong giải phóng mặt bằng là Khu xử lý chất thải rắn Núi Thoong tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ; 02 khu hiện có trong quy hoạch nhưng đã đóng bãi là Khu xử lý chất thải rắn Kiêu Kỵ tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (đóng bãi năm 2018); Khu xử lý chất thải rắn Vân Đình tại xã Vân Đình và xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (đã đóng bãi năm 2016); 01 khu hiện có trong quy hoạch, hiện nay mới đang điều chỉnh cục bộ quy hoạch, cho phép bổ sung chức năng xử lý chất thải nguy hại là khu Khu xử lý chất, thải rắn Việt Hùng tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh; 01 khu hiện có trong quy hoạch, hiện nay mới trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư đã gặp phản đối của nhân dân trong công tác đền bù GPMB nên chưa thực hiện được đó là Khu xử lý chất thải rắn Đông Lỗ tại xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa; 01 khu hiện có trong quy hoạch với diện tích 3,9 ha và không có khả năng mở rộng là Khu xử lý chất thải rắn Cầu Diễn tại quận Nam Từ Liêm.
+, Trong 09 khu đầu tư mới chỉ có 01 khu xử lý CTR được đầu tư và đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2016, đó là Khu xử lý chất thải rắn Đan Phượng tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng với công suất xử lý 200 tấn/ngày (Vùng III)
+, Các trạm trung chuyển phục vụ các tuyến thu gom, vận chuyển CTR thuộc Khu vực I (Dự báo khối lượng chất thải rắn khoảng 4.600 – 7.700 tấn/ngày).
-> Trạm trung chuyển Thanh Lâm, huyện Mê Linh: Quy mô 1,5 ha, tiếp nhận khoảng 750 – 1.000 tấn/ngày và chất thải rắn công nghiệp khoảng 350 tấn/ngày, phục vụ khu vực các huyện (Đông Anh – Mê Linh), thị trấn Kim Hoa.
-> Trạm trung chuyển Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm: Quy mô 1,5 ha, tiếp nhận khoảng 850 – 1.000 tấn/ngày phục vụ các quận (Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân).
+, Các trạm trung chuyển phục vụ các tuyến thu gom, vận chuyển CTR thuộc Khu vực II (Dự báo khối lượng chất thải rắn khoảng 1.000 tấn/ngày).
-> Trạm trung chuyển Tả Thanh Oai, huyện Thanh trì: Quy mô 1,5 ha, tiếp nhận khoảng 800 – 1.000 tấn/ngày, phục vụ quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Thanh Oai.
+, Các trạm trung chuyển phục vụ các tuyến thu gom, vận chuyển CTR thuộc Khu vực III (Dự báo khối lượng chất thải rắn khoảng 1.300 – 1.500 tấn/ngày).
-> Trạm trung chuyển Quốc Oai, huyện Quốc Oai: Quy mô 1,5 ha, tiếp nhận khoảng 500 – 700 tấn/ngày phục vụ một phần quận Hà Đông, các huyện (Hoài Đức, Quốc Oai).
-> Trạm trung chuyển Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ: Quy mô 1,5 ha, tiếp nhận khoảng 500 – 700 tấn/ngày phục vụ huyện Chương Mỹ và một phần huyện Hoài Đức.
Chưa thực hiện được theo các nội dung trong quy hoạch, đặc biệt là việc chưa có nhà máy xử lý CTR nào hoạt động trong Vùng II và chưa có các trạm trung chuyển tại 3 Vùng I-II-III đã dồn gánh nặng xử lý CTR về Khu xử lý CTR Xuân Sơn (Vùng III) và Khu xử lý chất thải Nam Sơn (Vùng I). Thực trạng này đã làm quá tải cả hai khu Khu xử lý CTR Xuân Sơn và Nam Sơn; Tăng quãng đường vận chuyển CTR từ nơi phát sinh đến khu xử lý, dao động từ 50-80km, đồng nghĩa với tăng các chi phí liên quan đến hoạt động vận chuyển và tăng các tác động ô nhiễm khác. Việc xử lý rác thải vẫn bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại các khu xử lý tập trung, dẫn đến quá tải là nguyên nhân gây bức xúc cho người dân xung quanh khu vực gây gián đoạn việc vận chuyển, xử lý rác thải, phải huy động các cơ quan, hệ thống chính trị tại địa phương để chỉ đạo giải quyết để tránh tồn đọng rác thải gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
– Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư các bãi chôn lấp hợp vệ sinh hiện có, hợp nhất các ô chôn lấp tại Khu liên hiệp xử lý CTR Nam Sơn – Sóc Sơn (giai đoạn 2); khu xử lý CTR Xuân Sơn – Sơn Tây (giai đoạn 2) nhằm tăng dung tích, công suất xử lý rác, đảm bảo an ninh môi trường trong thời gian các nhà máy xử lý đang trong quá trình đầu tư, xây dựng.
– Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ đốt phát điện theo các tiêu chí về lựa chọn nhà đầu tư và công nghệ hiện đại tiên tiến đã được Thành phố Hà Nội đã chấp thuận tập trung đầu tư:
+, Trước mắt tập trung đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, công suất phát điện là 75MW do Công ty cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý làm chủ đầu tư đi vào vận Quý I năm 2021.
+, Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ: Công suất 1.500 tấn/ngày đêm, có phát điện.
+, Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn: Công suất 1.000 tấn/ngày đêm; phát điện 15,5 MW tại Khu XLCTR Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, Hà Nội.
+, Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng: Công suất 500 tấn/ngày đêm; phát điện 12 MW tại Khu XLCTR Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, Hà Nội.
– Quy hoạch và có kế hoạch xây dựng cụ thể các điểm tập kết chất thải rắn tập trung của xã/phường đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, các Điểm tập kết chất thải rắn tập trung của các xã cơ bản được đầu tư xây dựng lộ thiên ven các khu đồng ruộng, đáp ứng làm nơi tạm thời tập kết chất thải rắn từ các hộ gia đình để chuyển đi chôn lấp, xử lý tại điểm xử lý chất thải rắn thải tập trung. Tuy nhiên, đối với các phường nội đô, việc xây dựng các Điểm tập kết chất thải rắn tập trung hiện nay còn nhiều bất cấp, CTR được tập kết trên các xe đẩy và được gom thành các điểm đặt trên đường giao thông gần các khu vực công cộng như: Chợ; Bến xe Bus; Trường học…vừa gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến an toàn, trật tự giao thông khu thu gom CTR.
2. Nâng cao năng lực đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTR sinh hoạt
– Đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động, công cụ, dụng cụ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường theo quy định. Đảm bảo 100% người lao động tại các nhà thầu dịch vụ công ích VSMT trên địa bàn thành phố được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội.
Để giảm các chi phí, một số nhà thầu đã giao khoán cho người lao động thực hiện thu gom, vận chuyển CTR về các điểm tập kết CTR tập trung. Một số nhà thầu nợ BHXH, theo Báo cáo của BHXH thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 5/2020, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân còn nợ đóng BHXH 24 tháng của 459 lao động, tổng tiền lên tới gần 19 tỷ đồng; Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng trăm lao động tại Công ty Minh Quân, đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô và đã có tình trạng đình công không làm việc gây ùn ứ rác tại các địa phương Công ty Minh Quân trúng thầu.
– Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, các phương tiện vận chuyển phải an toàn, đi đúng tuyến đường, không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi; khi vào khu xử lý chất thải phải tuân thủ quy định của đơn vị quản lý khu xử lý chất thải.
– Không thu gom và vận chuyển chất thải trong giờ cao điểm: Từ 6 giờ đến 8 giờ và 16 giờ 30 đến 19 giờ hàng ngày (trừ trường hợp đột xuất); không tập kết xe gom, xe vận chuyển tại các địa điểm dễ gây ùn tắc giao thông.
– Chủ đầu tư, nhà thầu kiểm tra, rà soát phương thức thu gom, vận chuyển CTR; Hiện nay, CTR sinh hoạt được thu gom qua các xe đẩy, các xe thu gom đều được chất đầy với độ cao khoảng 1,8m, thực trang trên vừa gây nguy cơ rơi, vãi CTR sau thu gom; mất an toàn lao động với người lao động vì khuất tầm nhìn.
– Chủ đầu tư kiểm tra, rà soát các phương tiện thu gom CTR của các nhà thầu, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và tiêu chuẩn phương tiện. Trên thực tế, các xe để thu gom CTR tại các tuyến đường nhỏ hiện nay chưa được cơ giới hoá, Urenco là đơn vị tiên phong trong việc kết hợp các thiết bị trợ lực vào xe đẩy; một số đơn vị thu gom khác tự trang bị các xe điện (chưa được phép lưu hành) để làm phương tiện thu gom; Phương tiện thu gom hay bị hoen rỉ, thủng đáy và thành gây rơi vãi và rò rỉ nước rác làm mất vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
– Xây dựng, áp dụng mô hình công nghệ xử lý chất thải phù hợp, theo hướng giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu năng lượng từ chất thải.
– Xây dựng lộ trình, kế hoạch và nhanh chóng triển khai cổ phần hoá các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước tham gia vào quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; Hình thành các liên danh, liên kết để tạo nguồn lực đủ mạnh về tài chính thực hiện các dự án tái chế, xử lý CTR.
– Xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý CTR sinh hoạt theo hướng thủ tục đầu tư rút gọn, các chính sách ưu đãi đặc thù đối với các dự án áp dụng giải pháp công nghệ mới, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện của địa phương;
3. Đảm bảo đủ khối lượng và giá dịch vụ công ích vệ sinh môi trường
– Các chủ đầu tư (quận, huyện, thị xã và Sở Xây dựng) và nhà thầu tổ chức đánh giá công tác thu giá dịch vụ thu gom vận chuyển CTR sinh hoạt và giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với CTR công nghiệp thông thường trên địa bàn. Theo đó, cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu thu được giao; Nếu là nguyên nhân chủ quan đối với đơn vị thu chưa đúng, chưa đủ thì tiếp tục thực hiện số thu còn thiếu, nếu không thu được phải tự bỏ kinh phí để hoàn trả ngân sách Nhà nước.
– Các chủ đầu tư (quận, huyện, thị xã và sở xây dựng) và nhà thầu rà soát, lên danh sách các chủ nguồn thải để tiến hành thu đúng, đủ để có nguồn kinh phí thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn; Tránh lạm dụng sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, có giải pháp cụ thể đối với trường hợp không nộp giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt và dịch vụ vệ sinh môi trường đối với CTR công nghiệp thông thường trên địa bàn
+, Trên thực tế, tại địa bàn các quận có số dân cư đông, mật độ dân cư dày, nhiều cơ quan đơn vị, cửa hàng dịch vụ và ít ngõ xóm trên 2m phải duy trì nhưng mức giá dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt cao (6.000đ/ tháng) và nguồn thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với rác thải công nghiệp thông thường tại các cơ quan đơn vị, cửa hàng dịch vụ cao nên nguồn thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường có thể đảm bảo cân đối kinh phí chi trả cho công tác duy trì vệ sinh môi trường ngõ, xóm và còn dư để bổ sung nguồn cho công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn góp phần giảm chi từ ngân sách nhà nước.
+, Tại các địa bàn huyện, thị xã số dân cư ít hơn, mật độ dân cư thưa thớt, ít cơ quan đơn vị, cửa hàng dịch vụ và nhiều ngõ xóm trên 2 mét phải duy trì, mức giá dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt thấp hơn khu vực quận (3.000đ/ tháng) và nguồn thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với rác thải công nghiệp thông thường từ các cơ quan đơn vị, cửa hàng dịch vụ không nhiều nên nguồn thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường không đủ đảm bảo nguồn kinh phí cân đối thực hiện công tác suy trì vệ sinh ngõ, xóm; Bên cạnh đó khối lượng duy trì vệ sinh môi trường tăng hơn trước đây.
– Các chủ đầu tư (quận, huyện, thị xã và sở xây dựng) và nhà thầu chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý gói thầu theo đúng phân cấp, chịu trách nhiệm về khối lượng các gói thầu dịch vụ công ích VSMT để không xảy ra tình trạng phát sinh khối lượng như trong các gói thầu dịch vụ công ích VSMT giai đoạn 2017-2020, từ việc phát sinh đó dẫn đến nhiều hệ luỵ với doanh nghiệp và ngân sách nhà nước như:
+, Tình trạng mất vệ sinh môi trường do phát sinh khối lượng CTR ngoài phạm vi gói thầu; Doanh nghiệp lúng túng trong việc thực hiện làm giảm uy tín và ảnh hưởng đến năng lực thực hiện của đơn vị thầu; Tình trạng này được chấm dứt khi có sự chỉ đạo của chính quyền nhưng chưa thể đảm bảo được quyền lợi của doanh nghiệp khi thực hiện các khối lượng CTR phát sinh ngoài gói thầu.
+, Phát sinh thêm các chí phí phải lấy từ ngân sách nhà nước, chỉ tính riêng các gói thầu dịch vụ công ích VSMT giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND thành phố đã phải chi phát sinh khoảng 14 % giá trị so với tổng gói thầu ban đầu ( khoảng 592 tỷ đồng so với tổng giá trị gói thầu ban đầu là 4.370 tỷ đồng – đã làm tròn)
4. Chính sách phát triển thị trường dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTR sinh hoạt
– Ban hành đề án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt; Giá dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn qua đó đề xuất lộ trình tính giá dịch vụ cho phù hợp với khả năng chi trả người dân, góp phần nâng cao số thu từ giá dịch vụ để đảm bảo dần cân đối công tác duy trì vệ sinh môi trường, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
– Xây dựng cơ chế chính, sách hỗ trợ người dân sống gần các cơ sở xử lý chất thải để khuyến khích người dân ủng hộ việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải và đồng thuận giao đất.
– Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách chi trả cho việc xử lý chất thải, phòng ngừa tình trạng thất thoát ngân sách; cơ chế công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.
– Nghiên cứu cơ chế chính sách giảm phí cho các cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt việc phân loại chất thải tại nguồn theo quy định.
– Lựa chọn Nhà đầu tư đảm bảo về năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện Dự án đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
– Giám sát, kiểm soát NĐT đối với công tác xử lý tro xỉ tránh để tồn đọng (VD: tro xỉ nhiệt điện) 6.000 tấn/ng.đ × 20% ≈ 1.200 tấn/ngày đêm; Cần chuẩn bị các bãi chôn lấp có đủ sức chứa phòng trường hợp Nhà máy đốt rác gặp sự cố.
– Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển của từng nhóm CTRSH đã được phân loại; Phương thức thu gom, vận chuyển và xử lý đối với từng nhóm CTRSH đã được phân loại.
– Không cho đấu thầu lại các nhà thầu không đạt chất lượng dịch vụ như đã cam kết; Tăng thời gian của gói thầu thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt cần có tối thiểu là 5 năm cao nhất là 7 năm, vừa đảm bảo đủ thời gian khấu hao thiết bị, tổ chức tham gia đấu thầu yên tâm sản xuất và đầu tư các thiết bị cơ giới hiện đại, giảm các thủ tục hành chính so với các gói thầu có thời gian gian tối thiểu là 12 tháng như hiện nay; Bên cạnh đó, việc tăng thời gian của gói thầu thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt lên tối thiểu là 5 năm sẽ thu hút các tổ chức mới tham gia vào hoạt động này, việc này không những làm tăng quy mô thị trường (tăng nguồn cung) mà còn tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng.
– Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sẵn có tốt nhất, công nghệ thân thiện với môi trường.
– Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các tổ chức, cá nhân và các nguồn tài trợ nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu và đầu tư phát triển công nghệ xử lý CTRSH
5. Tăng cường công tác phân loại CTR tại nguồn
Tăng cường công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn theo hướng: phân chia địa bàn các huyện thành nhiều vùng khác nhau để áp dụng các phương thức phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý; kết hợp với việc phân loại tinh tại các trạm trung chuyển nhằm tăng hiệu quả xử lý, tái chế CTR, giảm tỷ lệ chất thải phải vận chuyển đi chôn lấp, xử lý. Thực hiện thí điểm mô hình phân loại CTR sinh hoạt trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữ 5 thành phần tham gia: (1) Truyền thông; (2) Chính quyền các địa phương; (3) Đơn vị triển khai (thu gom, vận chuyển); (4) Tổ chức doanh nghiệp; (5) Chủ nguồn thải, theo đó:
(1) Truyền thông
Thực hiện tuyên truyền, phố biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn
Tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn
Biểu dương các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn
(2) Chính quyền các địa phương mang tính chủ trì trong thực hiện phân loại rác tại nguồn
Ban hành cơ chế chính sách làm cơ sở thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Xử phạt những trường hợp vi phạm; Khen thưởng, khuyến khích các trường hợp thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn
Duy trì, giám sát hoạt động thực hiện phân loại rác tại nguồn
Bố trí ngân sách thực hiện phân loại rác tại nguồn
(3) Đơn vị thu gom là đơn vị triển khai
Thiết lập hệ thống và thực hiện đúng các nội dung đã xây dựng kế hoạch
Giám sát quá trình thực hiện;
Hỗ trợ các hoạt động của UBND cấp Quận/phường trong việc thúc đẩy hệ thống phân loại rác tại nguồn.
(4) Tổ chức doanh nghiệp
Thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc tài trợ và đồng hành cùng dự án phân loại rác tại nguồn
(5) Chủ nguồn thải: Hộ sản xuất, kinh doanh; Trung tâm thương mại; Chợ truyền thống; Người dân; Cơ quan, đơn vị hành chính…
Là đối tượng chính thực hiện trong việc phân loại rác tại nguồn. Vì vậy, nâng cao ý thức trách nhiệm để cùng phối hợp thực hiện phân loại rác tại nguồn là yếu tố then chốt mang tính quyết định sự thành công của hoạt động này.
Đề xuất phân loại rác tại nguồn theo giai đoạn như sau:
2020-2021: Phân loại CTR thành 02 loại: CTR tái chế và CTR còn lại
Sau 2021: Phân loại CTR theo yêu cầu công nghệ xử lý của thành phố, ví dụ như đốt rác phát điện
6. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thói quen sinh hoạt của người dân
– Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường Thành phố nói chung và hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải nói riêng
– Đổi mới công tác tuyên truyền: Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong các hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến các quy định, cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, cơ sở sản xuất và từng người dân thay đổi nếp sống, suy nghĩ và hành vi trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
– Xây dựng các chương trình truyền thông về thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; phổ biến bằng nhiều phương thức, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa các nội dung hoạt động bảo vệ môi trường, tái chế, xử lý chất thải vào tài liệu sinh hoạt chi bộ, vào các trang Web của UBND Thành phố, của Sở Tài nguyên và Môi trường, đưa thông tin trên Facebook…;
+, Xây dựng các chuyên mục môi trường trên các báo, đài Trung ương và Hà Nội; Công bố công khai những tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hình thức xử lý;
+, Coi trọng việc phát động phong trào bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân; Xây dựng tiêu chí về bảo vệ môi trường trong đó có thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và định kỳ đánh giá, kịp thời khen thưởng các cơ quan đơn vị, gia đình, làng và khu phố có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường. Công khai trên VTV, HTV, tạo app trên điện thoại (từ chuẩn ) hiện trạng và dự báo chất lượng môi trường không khí để nhân dân theo dõi và có kế hoạch phòng các tác hại ….
– Tổ chức các sự kiện về môi trường như Ngày môi trường thế giới, ngày làm thế giới sạch hơn…Kêu gọi mọi tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong các sự kiện hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Tăng cường nội dung giảng dạy về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại các trường phổ thông trên địa bàn.
– Tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm hướng đến thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần khó phân hủy bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua các chương trình tuyên truyền trên đài truyền hình, đài phát thanh của Trung ương và Hà Nội, báo Kinh tế – Đô thị và thí điểm các mô hình phân loại rác thải tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố, cụ thể: Chùa Quán Sứ, Chùa Hà, Chùa Hương, Phủ Tây Hồ, Văn miếu Quốc Tử Giám và tại nhà ga, bến xe trên địa bàn Thành phố, đồng thời kêu gọi các đơn vị quản lý nhà ga, bên xe ký cam kết không sử dụng túi ni lông và đồ nhựa sử dụng một lần khó phân hủy trên xe khách, tàu.