Ngày 28/10/2023, trong khuôn khổ thực hiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Ban quản lý Dự án tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với đơn vị thực hiện Hợp phần đa dạng sinh học (WWF – Việt Nam) và Trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức Tọa đàm “Sinh viên với bảo tồn ĐVHD”. Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của sinh viên/thanh niên về đa dạng sinh học, ĐVHD; đồng thời phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc cắt đứt chuỗi tiêu thụ thịt ĐVHD, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại Thừa Thiên – Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế (Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VFBC tỉnh) cho biết, hiện nay, tình trạng săn bắt, mua bán và sử dụng trái phép ĐVHD đang ngày càng gia tăng, đẩy nhiều loài ĐVHD đến bên bờ tuyệt chủng và ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học. Để BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, trước hết, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng lối sống xanh trong toàn xã hội. Đồng thời, việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học muốn đạt được thành công cần có sự chung tay của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, sinh viên.
Theo đại diện WWF-Việt Nam tại Thừa Thiên – Huế, kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF-Việt Nam thực hiện trong năm 2021 – 2022 cho thấy, nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 20 – 29 ở khu vực thành thị chiếm tỉ lệ khá cao và 50 % số người trong nhóm khách hàng 20 – 29 tuổi là đang đi học, có khả năng tham gia vào chuỗi tiêu dùng. Hai động cơ đầu tiên dẫn đến hành vi tiêu thụ thịt ĐVHD của nhóm khách hàng trẻ cho rằng ăn thịt ĐVHD là sành điệu và thấy nhiều người ăn nên ăn theo. Những người trẻ tuổi có nguy cơ trở thành người tiêu dùng thịt ĐVHD tiềm năng nếu không được cảnh báo sớm. Do đó, việc tác động đến sinh viên và/hoặc đoàn viên thanh niên là cần thiết để góp phần bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt ĐVHD hiện tại.
Tọa đàm đã chia sẻ trải nghiệm/cảm xúc cá nhân về ĐVHD và thiên nhiên, những câu chuyện về việc thực hiện hành vi tốt để bảo vệ ĐVHD… Hơn 250 giảng viên và sinh viên trường Đại học Nông lâm Huế đã nhiệt tình trao đổi và bày tỏ sự sẵn sàng chung tay bảo tồn các loài ĐVHD sau khi nhận thức được tầm quan trọng của chúng trong công tác bảo tồn giá trị đa dạng sinh học rừng Việt Nam, giữ gìn hệ sinh thái và bảo vệ sự phát triển bền vững của đất nước.
Vũ Hồng
Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/dien-dan–trao-doi-21/nang-cao-nhan-thuc-va-hieu-biet-cua-sinh-vien-thanh-nien-ve-da-dang-sinh-hoc-dong-vat-hoang-da-29297