Ngành TN&MT chuyển hoá được thách thức thành cơ hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững đất nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm (2016 – 2020); triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ các năm tiếp theo của ngành Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả đã được trong 5 năm qua, nhất là năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là bộ quản lý tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết đến người dân và doanh nghiệp, lấy kết quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động. Đồng thời, thể hiện được bản lĩnh vững vàng để chuyển hóa được những thách thức thành cơ hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị 

Đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2020 sắp kết thúc và khép lại kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 với nhiều thành tựu, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019, bình quân 6,8%/năm; năm 2020, mặc dù, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.

Quản lý nhiều ngành và lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân và doanh nghiệp, từ nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước như: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển và hải đảo đến chất lượng môi trường sống, các kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ 5 năm vừa qua của Ngành tài nguyên và môi trường đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, nhìn lại cả quá trình 5 năm, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phải đối mặt với những thách thức rất lớn do mô hình phát triển thiếu bền vững, biến đổi khí hậu gây hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt, sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trong tại 4 tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn Ngành TN&MT đã đoàn kết, thống nhất, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, bài bản và khoa học các nhiệm vụ, giải pháp. Qua đó, đã chủ động hóa giải, biến nguy thành cơ, từ đó phát huy được các nguồn lực tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững đất nước.

Theo đó, về thể chế chính sách, toàn ngành đã chuyển một bước từ bị động khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết sang chủ động tham mưu giải quyết các vướng mắc, gỡ bỏ điểm nghẽn, rào cản về cơ chế chính sách, qua đó giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Nhiều chủ trương chiến lược trong Văn kiện Đại hội đảng các cấp, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã được Bộ, ngành chủ động đề xuất xây dựng và ban hành làm căn cứ để kiến tạo phát triển cho phát triển đất nước, đặc biệt mới đây, Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua, góp phần giải quyết hài giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên cho giai đoạn phát triển mới. Hệ thống chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế biển được hoàn thiện từ Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đến Kế hoạch hành động của Chính phủ.

Nguồn lực tài nguyên được phát huy hiệu quả cho phát triển đất nước. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực đất đai, trong đoạn 2016 – 2020, đã chuyển dịch hơn 230 nghìn ha đất cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nhà ở; đưa 926 nghìn ha đất chưa sử dụng vào sử dụng chủ yếu cho phát triển rừng. Thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai. Nguồn thu từ tài nguyên đất trong 5 năm đạt gần 850 nghìn tỷ đồng.

Triển khai thực hiện công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước phục vụ dân sinh vùng hạn mặn, vùng cao, biên giới, hải đảo; nghiên cứu giải pháp trữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long. Các giải pháp tổng thể về quản lý sử dụng bền vững tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước được tập trung triển khai.

Đã hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất, khoáng sản cho 70% diện tích đất liền; 40% vùng biển Việt Nam, xác định tiềm năng, giá trị địa chất, khoáng sản cho phát triển kinh tế xã hội. Khắc phục tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô; khai thác khoáng sản không đi đôi với bảo vệ môi trường; thiết lập hành lang pháp lý trong phối hợp xử lý vi phạm trong khai thác thác cát sỏi lòng sông.

Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính có những bước tiến quan trọng; hệ thống điều hành thông minh kết nối từ Trung ương tới địa phương; kết nối trực tuyến quốc tế. Sớm sề đích hoàn thành chỉ tiêu cải cách thủ tục hành chính với 80,1% thủ tục được bãi bỏ, thay thế; 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm; 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm. Chỉ số tiếp cận đất đai (một trong những chỉ số khó tăng do sự hữu hạn của đất đai) tăng 1,05 điểm, chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp GCN tăng 13% so với năm 2016; chỉ số hài lòng với thủ tục về môi trường tăng 3.08% so với năm 2017; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận giảm 34%. Chỉ số Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản đạt mức 60/190 nước được đánh giá.

Phát triển kinh tế biển được thúc đẩy trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển và hội nhập quốc tế; khu vực ven biển đóng góp 60% GDP cả nước. Công tác điều phối, phối hợp triển khai các đề án điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, các nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu khoa học về biển được đẩy mạnh triển khai thực hiện; mạng lưới trạm quan trắc KTTV, môi trường, nền tảng số hóa, dữ liệu lớn như dữ liệu đất đai, không gian địa lý được tăng cường.

Bảo vệ môi trường đã có đổi mới toàn diện tư duy quản lý, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, bảo vệ môi trường, để các dự án lớn hoạt động an toàn về môi trường đóng góp cho tăng trưởng. Nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp về bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường được cải thiện. Qua đó, đưa chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 5 bậc, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động triển khai cùng với công tác dự báo khí tượng thuỷ văn được tăng cường, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng để tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai nhờ dự báo sớm, chính xác, kịp thời cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Năm 2020 khép lại 5 năm với đầy thách thức, nhưng với những chủ trương, giải pháp đúng đắn cùng nỗ lực quyết tâm, tinh thần đổi mới sáng tạo, ngành tài nguyên và môi trường đã hóa giải các thách thức, vượt qua các khó khăn đạt được nhiều thành tựu chuyển biến thực chất từ thực tiễn, đóng góp trực tiếp, gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, sự hài lòng của người dân; đồng thời chuẩn bị nền tảng để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.” – Phó Thủ tướng ghi nhận.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ TN&MT và toàn ngành đã đạt được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ vừa qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trình Đình Dũng đánh giá cao ngành TN&MT lấy kết quả phục vụ người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động

Các nhiệm vụ trọng tâm phát triển Ngành cho năm 2021 và giai đoạn 5 năm tiếp theo

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trên cơ sở nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thách thức trong giải quyết các vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Ngành năm 2021 và giai đoạn 5 năm tiếp theo:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thư XIII của Đảng.

Trong năm 2021, ngành cần tập trung tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI và thi hành Luật Đất đai, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cho BCH Trung ương ban hành Nghị quyết mới làm định hướng sửa đổi căn bản, toàn diện Luật đất đai năm 2013.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoảng sản và Luật Khoáng sản. Chuẩn bị để trong nhiệm kỳ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Xây dựng ban hành đồng bộ các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 để có hiệu lực đồng thời với Luật.

Rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, khoáng sản, quản lý tổng hợp biển và hải đảo.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết

Thứ hai, tập trung triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên và môi trường vùng bờ, quy hoạch bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến quy hoạch sử dụng đất đai. Quy hoạch phải đảm bảo sự đồng bộ, khả thi trong triển khai thực hiện; đảm bảo quỹ đất cho phát triển trước mắt và lâu dài; bám sát các định hướng lớn định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn, bảo vệ diện tích đất rừng, kết nối chặt chẽ với quy hoạch không gian biển để tạo sự liền mạch, phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của biển cho phát triển bền vững, mở cửa hội nhập.

Đối với các địa phương khẩn khẩn trương triển khai lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030 theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14; trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2021 để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thứ ba, thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong đó, thực hiện cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với 90% thủ tục hành chính của ngành.

Tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương thiết lập hệ thống theo dõi đánh giá việc quản lý sử dụng tài nguyên; thực hiện đánh giá xếp hạng chỉ số bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận; các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chuyển hoạt động thanh tra kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin và chuyển đổi số để phát tiềm năng lớn về tài nguyên số từ dữ liệu không gian, đất đai, biển, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản. Phó Thủ tướng đề nghị các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm bố trí nguồn lực cho xây dựng các cơ sở dữ liệu trước mắt tập trung hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo minh bạch.

Xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả giảm khâu trung gian gắn với hiện đại hóa ngành. Thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức dịch công thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về tài chính, qua đó giảm gánh nặng ngân sách, tái đầu tư cho ngành. Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành quan tâm, xây dựng các cơ sở dữ liệu; ưu tiên các nguồn lực để các nhiệm vụ đã được đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ. Đề nghị các địa phương quan tâm bố trí 10% nguồn thu từ tài nguyên để tái đầu tư cho ngành.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị 

Đối với các lĩnh vực quản lý cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị, về quản lý đất đai, triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Tập trung rà soát xử lý tình trạng dự án chậm triển khai ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích còn lại cần phải cấp; nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai.

Về quản lý tài nguyên nước, tiến hành tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia. Xây dựng Chiến lược quốc gia về an ninh nguồn nước, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông. Đẩy mạnh công tác lập và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Kiểm soát việc khai thác, sử dụng nước và việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa. Nghiên cứu các đối sách trong hợp tác chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới, chủ động trước các khả năng khai thác nước từ thượng nguồn.

Về địa chất và khoáng sản, tổ chức điều tra, xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún xây dựng bản đồ ở tỷ lệ lớn để điều chỉnh quy hoạch dân cư, xây dựng các công trình hạ tầng đảm bảo an toàn trước nguy cơ thiên tai; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

Về quản lý tổng hợp biển và hải đảo, tăng cường các hoạt động điều phối trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu thống kê quốc gia về quản lý vùng biển cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo chuẩn mực quốc tế. Phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển. Triển khai nghiên biển và hải đảo, gắn nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế biển của địa phương. Triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Về bảo vệ môi trường, tổ chức đánh giá, lượng hoá được các chi phí phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế – xã hội; phải xây dựng bộ tiêu chí GDP xanh cho nền kinh tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường trong thu hút các dự án đầu tư. Tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; kiểm soát sác nguồn thải lớn, phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường. Phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ BVMT và tái chế chất thải.

Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, nguồn nước; đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình cải thiện môi trường lưu vực sông,… Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái đặc hữu, các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên.

Về dự báo khí tượng thủy văn, đẩy mạnh hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dự báo, đa dạng hoá sản phẩm khí tượng thuỷ văn, nhất là dự báo xa; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Dự báo diễn biến dòng chảy, thủy văn, cảnh báo sớm chi tiết đối các đợt mưa lũ lớn. Tích hợp bản đồ phân vùng tai biến địa chất, trượt lở với dữ liệu khí tượng thủy văn, lớp phủ thực vật để phân vùng, dự báo, cảnh báo nguy cơ thiên tại lũ ống, lũ quét, sạt lở đủ độ chi tiết.

Về biến đổi khí hậu, nghiên cứu xây dựng chương trình, giải pháp tổng thể để phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cho khu vực Tây Bắc, khu vực Duyên hải và Tây Nguyên của các vùng chịu rủi ro thiên tai. Cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cho giai đoạn mới; lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của quốc gia, từng địa phương. Thực hiện vai trò điều phối trong triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm, Phó Thủ tướng mong muốn toàn Ngành tiếp tục nỗ lực từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2021 để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng thời, tin tưởng với khát vọng, với sự đồng thuận và quyết tâm cao ở Trung ương cũng như ở địa phương, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu kết luận Hội nghị, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sát sao, toàn diện, sâu sắc mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ban ngành Trung ương và đặc biệt là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, luôn động viên, hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý nhiều lĩnh vực nhạy cảm, nóng bỏng như: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường. Ngành đã chuyển đổi tư duy tư bị động sang chủ động, từ chủ động sang hành động. Thời gian tới Ngành sẽ tăng cường các giải pháp để đưa chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển đất nước; xác định rõ vai trò môi trường với thiết chế xã hội; hài hòa vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế xã hội, không chấp nhận hy sinh môi trường để phát triển kinh tế; môi trường đi trước một bước…

Ngành Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo sâu sắc của Phó Thủ tướng, cụ thể hóa vào kế hoạch, chiến lược phát triển của Ngành TN&MT trong giai đoạn tới và trong năm 2021. Phát huy những kết quả đã đạt được, Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo – đoàn kết – chung sức – chung lòng – kiến tạo cho phát triển, đáp ứng mong đợi của Đảng Nhà nước, Chính phủ và yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đã có thành tích trong công tác năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc

Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trao Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đã có thành tích trong công tác năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tặng Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 9 đơn vị trực thuộc Bộ và 11 Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã dẫn đầu Phong trào thi đua năm 2020 ngành Tài nguyên và Môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tặng Cờ Thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020 ngành Tài nguyên và Môi trường

Theo Khương Trung – Tuyết Chinh/monre.gov.vn

Dẫn theo nguồn: http://www.monre.gov.vn/Pages/nganh-tn&mt-chuyen-hoa-duoc-thach-thuc-thanh-co-hoi,-gop-phan-chuyen-doi-co-cau-kinh-te-va-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc.aspx

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *