Theo Bộ NN&PTNT, cây ăn quả đang được thu hoạch với sản lượng lớn trên cả nước sẽ giúp nguồn cung cho xuất khẩu trái cây dồi dào, chất lượng.
Thu hoạch sản lượng lớn
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tại miền Bắc, nhiều loại trái cây như cam, bưởi, chuối, thanh long, xoài, mít… dự kiến sẽ cho thu hoạch sản lượng lớn trong năm nay.
Cụ thể, tổng sản lượng cam trên 530 nghìn tấn, trong đó đã thu hoạch khoảng 480 nghìn tấn; hiện còn khoảng 50 nghìn tấn sẽ thu hoạch tập trung trong tháng 2. Trong đó, Hà Giang đã thu hoạch khoảng 50 nghìn tấn/tổng số 75,3 nghìn tấn (66,5%); Tuyên Quang thu hoạch khoảng 86 nghìn tấn/tổng số 92 nghìn tấn (93%); Bắc Giang cơ bản đã thu hoạch xong trước Tết với tổng sản lượng 48,4 nghìn tấn,… Cục Trồng trọt đánh giá, nhìn chung cam sành năm nay được giá, tiêu thụ tốt hơn và ít bị hiện tượng rụng quả như một số năm trước.
Sản lượng bưởi khoảng 480 nghìn tấn, trong đó đã thu hoạch gần 470 nghìn tấn; hiện còn khoảng hơn 10 nghìn tấn, thu hoạch tập trung trong tháng 2 (giống bưởi Diễn). Trong đó, Hà Nội đạt 96,3 nghìn tấn; Hòa Bình đạt 67,1 nghìn tấn; Bắc Giang 37 nghìn tấn…
Tổng sản lượng chuối miền Bắc dự kiến năm 2022 đạt khoảng 1.200 nghìn tấn, trong đó thu hoạch quý 1 khoảng 270 nghìn tấn.
Tại phía nam, ước tính trong quý I năm 2022, sản lượng các loại cây ăn quả chính (thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riềng) thu hoạch là 1.358,3 nghìn tấn. Trong đó, tháng 1 khoảng 452,5 nghìn tấn, tháng 2 là 532,5 nghìn tấn, tháng 3 là 373,4 nghìn tấn.
Xuất khẩu tăng ấn tượng
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong năm 2021 đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020. Ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc, Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Trong khi tỉ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng thì tỉ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm.
Trong năm 2021, cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự dịch chuyển. Cụ thể, trong khi chủng loại hàng quả và quả hạch giảm tỉ trọng xuất khẩu thì chủng loại sản phẩm chế biến lại tăng. Trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến trong năm 2021 chiếm 25,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu rau quả năm 2021, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm gần đây, xuất khẩu rau quả liên tục đạt giá trị lớn, trên 3 tỷ USD.
“Nhờ thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, trong đó có ngành rau quả, đồng thời phát triển, liên kết sản xuất, đầu tư vào khoa học công nghệ, Việt Nam đã phát huy được tiềm năng, lợi thế trong sản xuất rau quả. Bên cạnh đó, với thời tiết khí hậu tại Việt Nam thì 4 mùa đều có các chủng loại trái cây để đảm bảo xuất khẩu”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, trái cây Việt cũng đang khai thác tốt thị trường nội địa.
“Phải xác định nội địa là thị trường rất quan trọng, có thể nói là quyết định sống còn đến sản xuất rau quả. Một trong những ví dụ rất rõ ràng là khi COVID-19 diễn ra, việc xuất khẩu bị ảnh hưởng do logistics khó khăn, container tăng giá nhưng ngành trồng trọt, trong đó có ngành rau quả vẫn sản xuất tốt, đảm bảo được các giá trị tăng trưởng”, ông Cường nhấn mạnh.
Đa dạng hóa thị trường
Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 54% tổng giá trị xuất khẩu.
Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu quả tươi là chính, do vậy, nếu mở cửa được thị trường thì cũng phải tính toán chi phí. Ví dụ, nếu vận chuyển bằng máy bay thì đưa hàng sang EU hoặc Mỹ trong thời gian ngắn nhưng giá cả lại không cạnh tranh. Bên cạnh đó, để đưa hàng sang EU, Mỹ… yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu về kiểm dịch thực vật khắt khe hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường cực kỳ quan trọng với Việt Nam với hơn 1 tỷ dân cùng cách tiêu thụ, tiêu dùng về quả khá giống Việt Nam, thời gian vận chuyển lại ngắn, chi phí rẻ.
Tuy nhiên, theo ông Cường, có một điểm lưu ý là cần xuất khẩu chính ngạch. “Việt Nam có 9 loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tuy nhiên chỉ mới xuất khẩu chính ngạch được 3% tổng lượng hàng hoá sang thị trường này. Ví dụ, với mặt hàng thanh long, chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch vì theo chính sách 2 bên, những sản phẩm xuất khẩu qua tiểu ngạch sẽ được miễn thuế khoảng 7-8%. Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển thông quan rất nhanh”, ông Cường nêu một thực tế.
Do vậy, ông Cường nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, thay đổi phương thức. Doanh nghiệp phải cùng với địa phương dẫn dắt, hướng dẫn, yêu cầu người nông dân sản xuất theo đúng tiêu chí, yêu cầu xuất khẩu chính ngạch của Trung Quốc để sản phẩm rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có giá bán cao hơn. Song song với đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục mở cửa các thị trường khác, không thể “bỏ hết trứng vào 1 giỏ”.
Theo: Đỗ Hương/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: https://baochinhphu.vn/nguon-cung-trai-cay-doi-dao-102220214153130902.htm