Ngày 27/10/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1261/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026 – 2030”.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là hiện đại hóa công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn đến năm 2030, nâng tổng số trạm tự động trên toàn mạng lưới đạt 95% đối với các trạm khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao và tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng nước; Nghiên cứu áp dụng công nghệ quan trắc từ xa bằng vệ tinh, camera, viễn thám, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng; Dự báo khí tượng thủy văn hằng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường có độ tin cậy đạt 80 – 85%; Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2 – 3 ngày, tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3 – 5 ngày; Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy đối với các hệ thống sông lớn ở Bắc bộ trước 2 – 3 ngày, ở Trung bộ trước 1 – 2 ngày, ở Nam bộ trước 10 ngày. Đồng thời, tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2 – 3 ngày lên thêm 5 – 10% so với năm 2020; cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 6 giờ; tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến 1 tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm; nâng chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN.
Đề án cũng nêu cụ thể các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 hoàn thiện cơ chế, chính sách và cơ cấu tổ chức bộ máy, trong đó, rà soát sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khí tượng thủy văn; xây dựng, điều chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn; Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng; quy định về tích hợp, đồng bộ dữ liệu khí tượng thủy văn, khai thác, chia sẻ, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở các cấp, ngành; Củng cố tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn. Từ năm 2023 đến năm 2025, về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, bao gồm: tăng cường năng lực tính toán, lưu trữ; ảo hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; năng lực lưu trữ, theo dõi sự cố, kiểm soát hoạt động. Cùng với đó, triển khai hạ tầng an ninh thông tin thiết yếu thay thế các công nghệ cũ để chủ động theo dõi, giám sát và ứng cứu sự cố an ninh thông tin; Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia, liên thông đến các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.
Vũ Hồng
Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/phap-luat–chinh-sach-16/phe-duyet-de-an-hien-dai-hoa-nganh-khi-tuong-thuy-van-den-nam-2025-va-thoi-ky-2026–2030-29332