Các quy định, chính sách mới quan trọng trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) |
Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có hàng trăm nghìn tấn pin, ắc quy thải bỏ từ các phương tiện giao thông cho đến các thiết bị, đồ gia dụng. Theo quy định hiện nay, nhà sản xuất phải có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu. Tuy nhiên, dù đã có quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý loại rác thải nguy hại này nhưng việc triển khai gần như chưa được thực hiện, do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Chi phí thu hồi, xử lý ắc quy thải hiện đã tiệm cận, thậm chí tốn kém hơn chi phí sản xuất ra ắc quy mới, nên các doanh nghiệp sản xuất ắc quy không mặn mà với việc thu hồi ắc quy thải; nhà sản xuất không cạnh tranh nổi với những người buôn “đồng nát” trong việc đến hang cùng ngõ hẻm để thu mua bình thải, nhiều cơ sở thu gom pin, ắc quy tại các điểm gara xe máy, ô tô, xe loa thu mua trong dân mà các cơ quan chức năng không quản lý được; chế tài với các vi phạm về ắc quy thải chưa đủ mạnh, chưa buộc các nhà sản xuất và nhập khẩu có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình…
Xe máy điện được dùng phổ biến nhưng khó kiểm soát. |
Những nguy hại từ chất thải pin, ắc quy thì ai cũng biết. Ví dụ điển hình ở làng nghề tái chế chì Đông Mai ở Hưng Yên, với trên 500 lao động tham gia thu gom ắc quy. Do không có biện pháp quản lý, thiết bị xử lý ô nhiễm chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường nên đất, nước và không khí của làng nghề này bị ô nhiễm bởi khói bụi chì, nước thải axit… dẫn đến mức độ nhiễm chì của trẻ em trong làng đã ở mức báo động.
Bình ắc quy được đánh giá là một loại rác thải nguy hại bởi bản thân nó có chứa nhiều chất độc hại, trong đó có chì. Các chất độc hại, kim loại nặng có trong rác thải này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, cụ thể là nó gây nên những căn bệnh nguy hiểm cho não, thận, tim mạch, có thể gây vô sinh, sẩy thai hay thậm chí là bệnh ung thư. Tuy nhiên việc thu gom không được quy định nên doanh nghiệp có muốn cũng chịu. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, rất cần có thêm chế tài đủ mạnh quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi doanh nghiệp để nhà sản xuất ắc quy, người dân có trách nhiệm trong việc thu hồi sản phẩm thải bỏ, tránh gây tổn hại đến môi trường.