Ngày 8/7, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan về công tác sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện Công văn số 2798/BTNMT-PC ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT gửi Bộ Tư pháp về việc tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, Cục đã xây dựng dự thảo Kế hoạch tiến độ, thời gian thực hiện một số công việc phục vụ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung và soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước vào chương trình xây dựng, sửa đổi Luật từ năm 2023. Cụ thể, xây dựng Kế hoạch, tiến độ đánh giá tình hình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 phục vụ việc lập đề nghị; gửi Văn bản đến các Bộ, ngành, địa phương đề nghị rà soát, đánh giá tổng kết thi hành Luật, đề xuất các vấn đề cần sửa đổi bổ sung; tổ chức các đoàn điều tra, khảo sát, làm việc với Sở TN&MT các địa phương về tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
Các đầu cầu tham gia họp trực tuyến
Đồng thời, Cục sẽ tiến hành thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin, tài liệu về tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước từ năm 2013 đến nay; phân tích, đánh giá việc thi hành Luật, những kết quả đạt được trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; những tồn tại, khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật; Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật tài nguyên nước năm 2012; xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ cho ý kiến và đề xuất đưa vào Chương trình sửa đổi Luật của Quốc hội năm 2023.
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, để thực hiện các công việc nêu trên, thời gian tới, Cục đề xuất thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật, chuẩn bị các nội dung báo cáo, lấy ý kiến thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại cuộc họp; xây dựng Kế hoạch soạn thảo Luật; lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật; gửi Văn bản lấy ý kiến góp ý; đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ TN&MT.
Đầu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước tại cuộc họp trực tuyến
Cùng với đó, tổ chức các hội thảo, hội nghị tại miền Bắc, Trung, Nam và một số địa phương có đặc thù trong thực thi Luật, lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế để lấy ý kiến, làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật và các hồ sơ về Dự án Luật kèm theo. Tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và hoàn thiện hồ sơ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sau đó, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tiếp theo.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đại diện Lãnh đạo các đơn vị liên quan cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Kế hoạch do Cục Quản lý tài nguyên nước soạn thảo, đồng thời, nhấn mạnh, thời gian tới, sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ Cục trong việc xây dựng kế hoạch sửa đổi Luật đảm bảo hiệu quả nhất.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh tinh thần làm việc tích cực của Cục Quản lý tài nguyên nước để sớm có được kế hoạch chi tiết thực hiện một số công việc phục vụ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung và soạn thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Thứ trưởng cho rằng, việc sửa đổi Luật tài nguyên nước chính là tạo ra dấu mốc quan trọng trong quản lý tài nguyên nước ở nước ta. “Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, chú trọng tới công tác quản lý tài nguyên nước; toàn xã hội đã nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của tài nguyên nước. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật tài nguyên nước theo hướng phù hợp, toàn diện hơn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức và các tầng lớp nhân dân” – Thứ trưởng Lê Công Thànhnhấn mạnh.
Để đảm bảo tiến độ, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung trí tuệ đóng góp sáng kiến xây dựng Kế hoạch chi tiết phục vụ hiệu quả cho công tác sửa Luật tài nguyên nước trong thời gian tới. Đảm bảo công tác sửa đổi Luật phải thực sự hiệu quả, khoa học, bám sát thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.
Thanh Tâm
Dẫn theo nguồn: https://monre.gov.vn/Pages/sua-luat-tai-nguyen-nuoc—dau-moc-quan-trong-trong-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-tai-viet-nam.aspx