Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trồng cây xanh để thúc đẩy quốc kế dân sinh

Phát triển kinh tế-xã hội hài hòa với thiên nhiên, môi trường chính là con đường để người dân có được ấm no, hạnh phúc và bình yên thực sự. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức hãy “xắn tay áo” vào cuộc để cùng nhau gieo những mầm xanh của sự sống, của mùa xuân hy vọng, của niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước ta, dân tộc ta.

Sáng nay (23/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ phát động Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” và hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021 của tỉnh Tuyên Quang.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Tết trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” tại tỉnh Tuyên Quang, Ảnh VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng dự Tết trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” tại tỉnh Tuyên Quang, quê hương của cách mạng Việt Nam, nơi Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là “Thủ đô kháng chiến” trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Thủ tướng cho biết, theo đề án trồng ít nhất 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 như lời phát động của Thủ tướng tại một phiên họp của Quốc hội gần đây, có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung. Đề án sẽ không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mà còn xanh hóa khu vực đô thị và nông thôn. Tuyên Quang, Thủ đô kháng chiến, là một trong những lá phổi của Việt Nam, được kỳ vọng là địa phương về đích trước trong chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc “Vì một Việt Nam xanh”. Đây là một chương trình vô cùng có ý nghĩa như Bác Hồ từng chỉ rõ: “Việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân” và dù giữa bộn bề thách thức của công cuộc kháng chiến đi đôi với kiến quốc nhưng chính Bác Hồ là người đầu tiên trực tiếp phát động Tết trồng cây ngày 28/11/1959. “Vì một Việt Nam xanh” là thông điệp chính của Chương trình 1 tỷ cây xanh.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Làm tốt đề án này là cách thức vô cùng thiết thực để tưởng nhớ, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và tinh thần hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần hiện thực hóa tâm nguyện “Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu”. Mỗi cây trồng hôm nay là một ước mơ, niềm tin và hy vọng mà nhân dân vun đắp, gửi gắm đối với Tuyên Quang, vùng đất gắn với “cây đa Tân Trào” – biểu tượng của sự che chở cách mạng từ những ngày đầu giành chính quyền và lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Nay, chúng ta trồng cây xanh để thúc đẩy quốc kế dân sinh, cũng là kế tục sự nghiệp làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nói.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có nhiều lợi thế về phát triển lâm nghiệp. Trong những năm qua, Tuyên Quang là địa phương tiêu biểu trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Một số thành tựu nổi bật như hằng năm tỉnh đã trồng mới trên 10.000 ha rừng; duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng trên 65% (đứng thứ 3 cả nước – độ che phủ rừng của cả nước gần 42%).

Ảnh VGP/Quang Hiếu

Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ với diện tích rừng trên 140.000 ha rừng sản xuất, trong đó gần 40.000 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ quốc tế FSC (lớn nhất cả nước); sản phẩm gỗ từ rừng trồng của tỉnh đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ và châu Âu. Thu nhập của người trồng rừng được nâng cao rõ rệt. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hằng năm đạt trên 800.000 m3/năm, gấp 3 lần giai đoạn trước, đáp ứng nhu cầu cho 8 nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn. “Tôi được biết tỉnh đã xây dựng phương án cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Tuyên Quang sẽ trồng khoảng 70 triệu cây xanh, trong đó khoảng 67 triệu cây trồng rừng tập trung và 3 triệu cây phân tán”, Thủ tướng nói.

Trồng cây nào phải sống cây đó

“Đất nước ta có rừng vàng biển bạc. Đó là món quà thiên nhiên đã ban tặng và ưu đãi mà chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và phát triển. Phải coi đây là tài sản quý báu của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và Việt Nam là một trong những nước phát thải khí CO2 tăng nhanh. Bảo vệ môi trường sinh thái là trách nhiệm của mọi người dân”, Thủ tướng lưu ý. Trong đó, trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang cùng các địa phương trên cả nước tích cực bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42% và kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2021 đạt ít nhất 14 tỷ USD, năm 2025 phấn đấu đạt trên 20 tỷ USD, dần đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng có thương hiệu, có uy tín của thế giới.

Trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững, Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thiết thực hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu trồng và bảo vệ rừng để phát triển bền vững.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh triển khai các chương trình, dự án đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống cây trồng rừng mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; trong thâm canh rừng trồng, chế biến gỗ. Phải gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống và xây dựng nông thôn mới. Phải làm sao người dân làm giàu từ rừng và Tuyên Quang trở thành địa phương điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp của nước ta.

Cho biết quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá tại tỉnh Tuyên Quang đang diễn ra rất nhanh; nhiều khu đô thị, dân cư và khu công nghiệp được hình thành và sáng nay công bố Quyết định công nhận thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II, Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh việc trồng rừng tập trung, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, góp phần xanh hóa, bảo vệ môi trường tại các khu vực đô thị, dân cư nông thôn và các khu công nghiệp, khu du lịch, “tinh thần là trồng cây nào sống cây đó”, nghiên cứu trồng chủ yếu cây gỗ lớn để giữ sinh thái môi trường cho cuộc sống nhân dân.

Dẫn lại lời bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người”: Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa. Vì thương dân Bác dặn dò cặn kẽ: Ươm mầm xanh ta như mẹ thương con, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, học tập Bác, thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, góp phần cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng vươn lên, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong sự nghiệp vĩ đại ấy, phát triển kinh tế xã hội hài hòa với thiên nhiên, môi trường chính là con đường để người dân có được ấm no, hạnh phúc và bình yên thực sự. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức hãy “xắn tay áo” vào cuộc để cùng nhau gieo những mầm xanh của sự sống, của mùa xuân hy vọng, của niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước ta, dân tộc ta.

Nhân lễ phát động trồng cây hôm nay, nhắc lại câu ca dao: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, Thủ tướng nêu rõ, không những trồng nhiều cây quan trọng, mà hơn nữa nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng vì sự nghiệp của Đảng, của nhân dân. “Nhân đây, tôi lưu ý ngành giáo dục cả nước tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên ý thức trồng cây, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, “Vì một Việt Nam xanh”.

Theo Đức Tuân/baochinhphu.vn

Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Thu-tuong-Nguyen-Xuan-Phuc-Trong-cay-xanh-de-thuc-day-quoc-ke-dan-sinh/423916.vgp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *