Luật BVMT năm 2020 với nhiều điểm mới, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, từ đó đến nay, các quy định của Luật đang được hiện thực hóa và bước đầu đã ghi nhận những thay đổi tích cực từ cộng đồng đối với công tác BVMT.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, sau hơn 1 năm triển khai BVMT năm 2020, ngoài phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp cùng tham gia vào các hoạt động BVMT, việc thực hiện Luật BVMT năm 2020 còn hỗ trợ cho công tác quản lý chất thải; kiểm soát nguồn thải có nguy cơ tác động xấu đến môi trường của tỉnh; thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của địa phương…Cụ thể, công tác quản lý, kiểm soát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn được thực hiện chặt chẽ hơn; các “điểm nóng” về môi trường cũng đã được kiểm soát và có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, năm 2022 cũng là năm đầu tiên tỉnh thực hiện thí điểm Đề án Phát triển kinh tế gắn với BVMT bền vững thông qua mô hình “ứng dụng kinh tế tuần hoàn” tại huyện Côn Đảo. Đây được xem là giải pháp chiến lược cũng như tạo đột phá, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa và sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường tại huyện Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.
Theo đó, để triển khai Luật BVMT năm 2020 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao Sở TN&MT rà soát các quy định liên quan, tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với 7 nội dung như: Việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế; quy định về quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật; viêc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung; chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong khu đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về BVMT trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư đã hình thành trước ngày Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Nhờ thực hiện nghiêm các quy định về BVMT, cảnh quan nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng sạch đẹp
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn được giao tham mưu xây dựng, ban hành, hướng dẫn áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, BVMT nông thôn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng giao các sở, ngành có liên quan và các địa phương trên toàn tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền với hình thức đa dạng, nội dung dễ hiểu, phù hợp với các nhóm đối tượng, từ đó góp phần thiết thực đưa các quy định của Luật BVMT năm 2020 đến với người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Luật BVMT năm 2020 đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Để kịp thời phổ biến chủ trương chính sách về công tác quản lý, BVMT trên địa bàn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đưa Luật từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức về BVMT ở địa phương. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai Luật BVMT 2020, công tác quản lý, kiểm soát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn được thực hiện chặt chẽ hơn; các “điểm nóng” về môi trường cũng đã được kiểm soát và có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, năm 2022 cũng là năm đầu tiên tỉnh thực hiện thí điểm Đề án Phát triển kinh tế gắn với BVMT bền vững thông qua mô hình “ứng dụng kinh tế tuần hoàn” tại huyện Côn Đảo. Đây được xem là giải pháp chiến lược cũng như tạo đột phá, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa và sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường tại huyện Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật BVMT năm 2020 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, Điều 75 quy định, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao. CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm và CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Thực tế, việc triển khai quy định trên gặp rất nhiều khó khăn do công tác phân loại rác tại nguồn chưa trở thành thói quen của người dân, thiếu đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý… Do đó, nhằm giảm tải áp lực cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý, hạn chế mức độ gây ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT đang rà soát, đánh giá lại những mô hình thí điểm phân loại rác, đồng thời xây dựng lộ trình để sớm đưa việc phân loại rác đi vào thực tiễn.
Để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Công văn yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ thống nhất, xuyên suốt cho các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ về công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở TN&MT, các sở, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục quán triệt Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong toàn hệ thống chính trị; đồng thời, Sở TN&MT, các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; tiếp tục rà soát các quy định liên quan, tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác BVMT; tập trung triển khai thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chất thải; triển khai mạnh mẽ các giải pháp, xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm các điểm đen, điểm nóng về môi trường, kết hợp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường với chỉnh trang đô thị…
Theo: Châu Long
Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/phap-luat–chinh-sach-16/tinh-ba-ria–vung-tau-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-sau-hon-1-nam-thi-hanh-luat-bao-ve-moi-truong-2020-29353