Phát biểu tại Phiên toàn thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, đa dạng sinh học đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng do những hậu quả và hành động của con người, đặc biệt là từ tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã gia tăng; suy giảm diện tích rừng tự nhiên do cháy rừng và hoạt động khai thác gỗ; hậu quả của sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu… Những hoạt động trên đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học cả trên đất liền và đại dương ở phạm vi toàn cầu.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi các quốc gia hãy cùng phối hợp hành động khẩn cấp, quyết liệt và thiết thực hơn nữa để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá này, đồng thời cũng là đáp ứng đòi hỏi chính đáng của các thế hệ mai sau. Bộ trưởng cũng đưa ra một số hành động cụ thể như: Chuyển đổi tư duy từ mô hình phát triển kinh tế khai thác tự nhiên sang nền kinh tế dựa trên hệ sinh thái tự nhiên, cân bằng với tự nhiên; Lồng ghép vấn đề đa dạng sinh học vào các dự án phát triển, đa dạng sinh học cần phải được coi là một phần quan trọng trong các giải pháp về kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu; Thực thi các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn khẩn cấp tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa đại dương hiện nay; Khuyến khích xây dựng, tích cực tham gia thực hiện các sáng kiến khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề, thách thức về môi trường, chú trọng thiết lập mỗi quan hệ một cách tôn trọng và hài hòa giữa con người và thiên nhiên…
Trước đó, ngày 28/9, các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia đã thông qua Cam kết của các Nhà lãnh đạo vì Thiên nhiên. Bản cam kết là một phần của chương trình Nature for Life Hub và là hồi đáp trực tiếp đối với Tình trạng Khẩn cấp trên toàn cầu, nêu bật tính cấp thiết của việc giải quyết các cuộc khủng hoảng có sự liên hệ mật thiết với nhau: đa dạng sinh học, khí hậu và y tế. Bản cam kết nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng này đang gây ra những tổn hại không thể thay đổi đối với các hệ thống hỗ trợ cuộc sống của chúng ta, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng, tăng nguy cơ bùng phát đại dịch lây truyền từ động vật sang người trong tương lai và góp phần đáng kể gây ra biến đổi khí hậu. Chi phí gia tăng đối với xã hội và nền kinh tế đòi hỏi chúng ta phải ngăn chặn và khắc phục sự mất đa dạng sinh học một cách khẩn cấp, nếu chúng ta muốn đạt được các mục tiêu khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững.
Theo An Vi/tapchimoitruong.vn
Dẫn theo nguồn: http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=Việt-Nam-cần-phải-coi-đa-dạng-sinh-h%E1%BB%8Dc-là-một-vấn-đề-đạo-đức-51887