Xã Thành Lâm là một xã vùng cao của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Xã có tổng số hộ 865 hộ, với 3458 khẩu (số liệu thống kê 12/2021); gồm 6 thôn; gồm 3 dân tộc anh em cùng chung sống: dân tộc Thái chiếm 98,1% Mường 1,5%, 0,5% Kinh, còn lại dân tộc khác. Diện tích tự nhiên 2,839 ha trong đó đất nông nghiệp là 2651 ha trên địa bàn xã có hai tỉnh lộ chạy qua là 521C, 521B. Là xã thuần nông nên sản xuất chính là nông nghiệp, trước đây việc đi lại giữa các xóm chủ yếu là đường đất nhỏ, men theo các chân đồi, gò, đời sống của người vì thế mà cũng gặp không ít khó khăn.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Xã Thành Lâm chính thức bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm các tiêu chí đạt thấp. Các tiêu chí còn lại đều là các tiêu chí khó, cần có nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng như: thu nhập, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục… Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân trước tiên phải tập trung phát triển sản xuất, phát huy các tiềm năng lợi thế của xã nhằm nâng cao thu nhập, coi đó là nền tảng để phát huy vai trò của chủ thể, đóng góp thực hiện các tiêu chí khác.
Theo hướng đó, các cấp ủy, chính quyền xã đã luôn bám sát đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; cụ thể hóa chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch của cấp trên để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chú trọng tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng phù hợp, có giá trị cao vào sản xuất, phát triển du lịch cộng đồng. Để người dân phát triển đúng hướng, xã đã rà soát, lựa chọn các mô hình điển hình, phát huy được thế mạnh của địa phương, kết hợp phát huy nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ chương trình xây dựng NTM… đồng thời, đẩy mạnh các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, cùng Nhân dân tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, phát triển du lịch. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng sự đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn, trên địa bàn đã xây dựng được các mô hình có hiệu quả như: trên địa bàn xã tổng số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn xã là 28 cơ sở (trong đó có 7 hộ gia đình người bản địa trong xã làm dịch vụ homestay) với 32 nhà sàn, 80 banggaslow, 150 buồng phòng; công suất đón khoảng 600 khách/ngày/đêm; giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động địa phương. Nhờ đó, thu nhập của các hộ dân không ngừng tăng lên. Một số khu du lịch sinh thái cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như Khu nghỉ dưỡng Puluong Retreat, Puluong Natura… (doanh thu hàng năm ước đạt hàng chục tỷ đồng). Bên cạnh đó một số mô hình homestay tại nhà cũng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, điển hình như: hộ ông Hà Huy Giáp, Hà Thanh Lịch, Hà Văn Thược….
Một góc khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông
Khi thu nhập người dân được cải thiện, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chung tay góp công, góp sức xây dựng NTM, đặc biệt là các tiêu chí về hạ tầng nông thôn. Nhờ có hướng đi đúng đắn, phát huy được thế trận lòng dân, hàng loạt các tiêu chí cứng khác như: môi trường, y tế, nhà ở dân cư, an ninh quốc phòng… cũng dần được hoàn thiện, kinh tế ngày phát triển, các ngành nghề phụ, dịch vụ đã có bước phát triển mới, diện mạo nông thôn không ngừng đổi thay. Năm 2021 tổng diện tích gieo trồng đạt 399 ha/năm; Diện tích nông nghiệp được tích tụ để SXNN ứng dụng công nghệ cao 20 ha; Tổng sản lượng lương thực 1240 tấn; Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 52 tỷ đồng; Tỷ lệ tăng thu ngân sách đạt 9,8% trở lên… Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được xã quan tâm chỉ đạo sát sao; xã đã có 2/6 thôn về đích NTM, bình quân xã đạt 12 tiêu chí.
Hiện nay, xã Thành Lâm đang tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế. Dựa trên các tiềm năng du lịch hiện có, đặc biệt khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, bản Đôn của xã đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Xã đã lồng ghép các chương trình nông thôn dự án: Chương trình 30A, Chương trình 135, chương trình phát triển du lịch… đồng thời xã hội hóa nhằm tập hợp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông thủy lợi; khôi phục nhà sàn truyền thống; hỗ trợ khuyến khích hộ gia đình lợp mái tranh cọ, xây dựng công tình vệ sinh đảm bảo quy chuẩn đáp ứng nhu cầu khách lưu trú đặc biệt là du khách quốc tế; Bên cạnh đó, xã đang khảo sát, xây dựng đề án tổng thể về phát triển du lịch xã, theo hướng mỗi thôn 1 sản phẩm du lịch để khách trải nghiệm. Du lịch cộng đồng có thể đáp ứng được nhiều mục tiêu và phát triển bền vững trong cùng một giai đoạn như mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa – tinh thần của người dân, bảo tồn nền văn hóa truyền thống, tạo việc làm tại chỗ, tăng nguồn lưu thông tiền mặt và xuất khẩu tại chỗ các sản vật địa phương.
Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung khai thác tối đa các tiềm năng du lịch sẵn có, đặc biết bảo tồn ruộng bậc thang và nét văn hóa đặc sắc của người đồng bào dân tộc Thái, nguồn nước suối và hệ sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch bền vững. Trong nông nghiệp, tiếp tục ứng dụng biện pháp kỹ thuật, tăng cường gieo trồng giống cây có năng suất, hiệu quả kinh tế cao; Tập trung xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị theo chuỗi liên kết, phát triển bền vững, BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh và tăng tỷ trọng các loại hình dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tổng hợp; Tiếp tục nâng cao hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Phấn đấu đến năm 2025, xã đạt đủ các điều kiện và tiêu chí là xã NTM.
Theo Phạm Văn Ngọc/tapchimoitruong.vn
Dẫn theo nguồn: https://tapchimoitruong.vn/phat-trien-ben-vung-24/xa-thanh-lam-tren-con-duong-xay-dung-nong-thon-moi-26781