Kết quả thực hiện kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại các báo cáo giám sát từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV

Theo các báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được các kiến nghị liên quan đến vấn đề: (1) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 33/2017/NĐ-CP3 ngày 03/4/2017 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; (2) về quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản; có biện pháp khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, trước mắt có giải pháp nhanh, mạnh để ngăn chặn hiện tượng khai thác trái phép đang gây bức xúc trongNhân dân; (3) kiến nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết, trả lời rõ về chế đội đối với người dân khi tham gia Hội đồng hoà giải tranh chấp đất đai cấp xã.

Kiến nghị số (1) đã hoàn thành và được báo cáo tại Báo cáo số 40/BC-BTNMT ngày 08/4/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV và một số kiến nghị còn tồn đọng qua các kỳ họp Quốc hội, theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020 của Chính phủ thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP.

Đối với các kiến nghị số (3), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2429/BTNMT-PC ngày 06/5/2020 gửi Ban Dân nguyện về việc giải quyết kiến nghị nêu trên.

Kiến nghị số (2) trên cơ sở Báo cáo số 40/BC-BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin bổ sung thêm một số thông tin, cụ thể:

Đến nay các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã ban hành 52 quy chế quản lý cát, sỏi lòng sông ở những khu vực giáp ranh, có 652 bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng được cấp giấy phép hoạt động;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại Thông báo số 142/TB-VPCP ngày 12/4/2019 của Văn phòng Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã có chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn quản lý;

Các địa phương qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử lý gần 15.000 trường hợp vi phạm, xử phạt (7.302 trường hợp vi phạm khai thác trái phép, 7.634 trường hợp vi phạm Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật) với số tiền trên 167,7 tỷ đồng; một số vụ vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã được chuyển xử lý hình sự (26 vụ); ngoài xử phạt vi phạm hành chính đã thu giữ, tiêu hủy nhiều phương tiện khai thác trái phép. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đã thực sự giảm cả về quy mô và số lượng, một số địa phương đã cơ bản ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép tái diễn như: Thanh Hoá, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Thọ…

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản để thay thế Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 nêu trên, trong đó đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành liên quan, đối với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai thực hiện các quy định mới của 05 Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản đã được ban hành từ khi có Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 đến nay.

Dẫn theo nguồn: http://cspl-tnmt.monre.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/ket-qua-thuc-hien-kien-nghi-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ta.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *