KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY

    Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 – 2020 đạt 3%/năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp chỉ chú trọng đến năng suất, sản lượng mà chưa quan tâm đến việc tận dụng các chất thải từ quá trình sản xuất gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường (ÔNMT).

Trong bối cảnh ảnh hưởng của BĐKH đã và đang tác động nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực với quy mô toàn cầu, nguồn tài nguyên ngày càng hạn hẹp, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn (KTTH) tạo ra nhiều giá trị kinh tế, phúc lợi, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào ít hơn, giảm lượng chất thải ra môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững.

Thực trạng và nguyên nhân ÔNMT từ hoạt động sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, việc lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và lượng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ), với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc, mỗi năm khối lượng nguồn thải ra từ chăn nuôi ra môi trường – khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn,…), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí, phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và làm hư hại đất.

Ngoài ra, các theo Báo cáo Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, hoạt động chăn nuôi là nguồn lớn thải khí Ammoniac  (NH3 ) ra môi trường. Hiện nay, số lượng của đàn vật nuôi đang tăng đáng kể cũng sẽ gây ra lượng phát thải NH3 ngày càng cao. Sự gia tăng mạnh nhất gây ra bởi nhóm vật nuôi lợn và gia cầm.Thống kê cũng cho thấy, ở khu vực phía Bắc, mức ô nhiễm nước bẩn do coliform từ các trang trại chăn nuôi nhỏ cao gấp nhiều lần so với mức cho phép; nồng độ ammonia trong khí thải cao hơn mức độ cho phép từ 7 – 18 lần và hydro sulfide cao từ 5 – 50 lần.

Bên cạnh đó, việc gia tăng sản lượng hàng nông sản trong hoạt động trồng trọt kéo theo việc sử dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất bảo vệ thực vật khác. Một số kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong hoạt động trồng trọt (trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên), phần lớn người nông dân đang sử dụng sử dụng phân bón vượt quá mức để tối đa hóa năng suất cây trồng. Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong năm qua tại tỉnh Kiên Giang và An Giang cho thấy, trong canh tác lúa, hầu hết nông dân đều sử dụng phân bón cao hơn mức cần thiết 20 – 30%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất.

Ngoài ra, phế phụ phẩm nông nghiệp cũng là vấn đề môi trường cần được quan tâm. Trong những năm gần đây, hiện tượng đốt phế phụ phẩm nông nghiệp trong trồng lúa, cà phê và ngô đã gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ tại một số địa phương. Có 98% nông dân được điều tra ở đồng bằng sông Cửu Long đốt rơm sau vụ đông Xuân, 90% đốt sau mùa hè và 54% đốt sau mùa thu – đông. Việc đốt các tàn dư thực vật là một biện pháp phổ biến để loại bỏ chất thải sau khi thu hoạch vì đây là một phương pháp không tốn kém và nhanh chóng. Tuy nhiên, hoạt động này sinh ra các chất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe và phát thải khí nhà kính: SO2, nitơ oxit (NOx), cacbon monoxit (CO), cacbon đen, cacbon hữu cơ (OC), khí mê-tan (CH4), các hợp chất hữu cơ bay hơi cacbon dioxit (VOC), nonmethane hydrocarbon (NMHC), ozon (O3).

Như vậy, trước những thách thức về ÔNMT từ sản xuất nông nghiệp, việc áp dụng KTTH trong sản xuất nông nghiệp có thể giải quyết được bài toán, vừa tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, vừa giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống là chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ÔNMT.

Một số vận dụng KTTH trong sản xuất nông nghiệp

 

Mô hình xử lý rác thải đồng ruộng thành phân sinh học vi sinh ở xã Thọ An (huyện Đan Phượng) đã mang lại hiệu quả kinh tế và BVMT

 

Việc áp dụng KTTH là một xu hướng phát triển bền vững nhằm đạt được cả hai mục tiêu: Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Phát triển KTTH trong sản xuất nông nghiệp sẽ gúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do giảm thiểu chi phí sử dụng các dạng tài nguyên thiên nhiên (giảm thiểu chi phí sử dụng nước, tái sử dụng các chất thải bỏ, xử lý biogas giúp giảm chi phí về nhiên liệu…). Đối với sản xuất nông nghiệp, KTTH được áp dụng vào các mô hình sản xuất giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu trong các quá trình sản xuất ở các cấp độ khác nhau.

 

Hình 1. Sơ đồ ứng dụng TKTH trong sản xuất nông nghiệp

 

Hiện nay ở nước ta, KTTH trong sản xuất nông nghiệp đã được vận dụng trong phát triển trong các mô hình như: Trang trại vườn – ao – chuồng (VAC) hay vườn – ao – chuồng-rừng (VACR) hoặc vườn – ao – chuồng – biogas (VACB). Các mô hình hày áp dụng KTTH trong sản xuất, với quy trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với những ứng dụng linh hoạt trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, đã có nhiều địa phương triển khai các mô hình này hiệu quả. Trong đó, Nam Định là một trong những địa phương có nhiều mô hình áp dụng KTTH như: Sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; quản lý dịch hại tổng hợp IPM, canh tác lúa cải tiến; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xử lý chất thải chăn nuôi… Tiêu biểu là mô hình sản xuất phân bón hữu cơ của xã Yên Cường (Ý Yên). Từ năm 2016, nhờ đồng thuận triển khai ý tưởng tái chế các sản phẩm phụ từ nông nghiệp làm phân bón, xã Yên Cường được tỉnh hỗ trợ kinh phí 500 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà ủ, mua máy chế biến nguyên liệu, máy xúc lật và giao cho Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường thành lập tổ dịch vụ sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, phân gà, lợn, bò. Đặc biệt, các hộ nông dân của 2 Hợp tác xã Nam Cường, Bắc Cường của xã đều được các chuyên gia Nhật Bản, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ để chăm sóc, cải tạo đất bạc màu, thiếu dinh dưỡng, trả lại độ phì cho đất, kỹ thuật canh tác rau hữu cơ và rau an toàn. Đến nay, các hộ nông dân của xã Yên Cường đã sản xuất lượng chất thải nông nghiệp được tái sử dụng làm phân bón, đạt trên 100 tấn/năm, vừa tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng sạch hơn, vừa làm sạch môi trường.

Đối với trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt của Công ty CP T&T 159 nằm trong Dự án Khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và trại sản xuất bò giống chất lượng cao tại xã Yên Mông, TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), việc áp dụng mô hình chăn nuôi, sản xuất phân bón vi sinh vừa mang lại lợi ích về kinh tế vừa BVMT. Trang trại có diện tích gần 30 ha, quy mô chăn nuôi 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò và trâu nuôi vỗ béo. Trong trang trại được phân chia thành nhiều khu khác nhau như nuôi bò vỗ béo, nuôi bò giống, vỗ béo trâu, phối trộn thức ăn, chế biến phân bón… Trang trại đã áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín. Sử dụng toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm đệm lót sinh học cho vật nuôi. Đệm lót sinh học chủ yếu được làm từ vỏ trấu, thân cây ngô, vỏ cây keo…, có độ dày khoảng 50 cm, 1 tháng thu 1 lần. Toàn bộ đệm lót này sau đó được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ. Với đệm lót này, trang trại tận thu toàn bộ chất thải từ bò, trong quá trình bài tiết. Trung bình 1 ngày, con bò ăn khoảng 30 kg thức ăn thô xanh, uống 40 lít nước, thải ra khoảng 20 kg phân và 30 lít nước tiểu. Đây là nguồn phân bón hữu cơ tốt cho cây trồng, nhất là trồng cỏ. Theo đó, mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, giá trị 300 – 500 triệu đồng.

Ngoài ra, mô hình thí điểm xử lý rác thải đồng ruộng thành phân sinh học vi sinh tại 2 xã Phương Đình và Thọ An (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) do Hội Nông dân huyện thực hiện qua 2 năm, bước đầu đã cho hiệu quả tốt. Với quy trình đơn giản, sau khi thu hoạch, người dân chỉ việc thu gom các loại phế phẩm nông nghiệp đem về xử lý, sau 1 lớp rác hữu cơ dày khoảng 30 cm thì rắc 1 lượt chế phẩm vi sinh trichoderma. Sau đó ủ kín khoảng 30 ngày, rác sẽ phân hủy thành phân hữu cơ và đã có thể sử dụng bón cho cây trồng. Trong chế phẩm sinh học này có chứa sẵn chủng nấm đối kháng trichoderma nên phân hữu cơ khi bón cho cây trồng sẽ giúp kháng bệnh và điều trị bệnh cho cây trồng hiệu quả. Ngoài ra, chế phẩm trichoderma còn thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ giúp cải tạo đất hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân còn tận dụng rơm rạ, vỏ cây hay xơ dừa làm giá thể gieo trồng nhằm tăng hiệu quả sử dụng sản phẩm cây trồng, giảm phát thải ra môi trường.

Như vậy, trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nông nghiệp ngày càng gia tăng và có ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống con người, cảnh quan sinh thái thì việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu quý trong sản xuất nông nghiệp để tái phục vụ sản xuất đã mang lại lợi ích kép về giá trị kinh tế và BVMT.

Giải pháp thúc đẩy KTTH trong sản xuất nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp nước ta phát triển nhanh có thể coi là một thế mạnh để phát triển KTTH. Phát triển KTTH phải gắn với đổi mới công nghệ, tuy nhiên, do hầu hết hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, thiếu liên kết nên việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn ít chuyển biến, chưa có nhiều cơ sở sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng các nguồn nguyên liệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Đối với các cơ sở sản xuất nông nghiệp lớn, doanh nghiệp nông nghiệp đã áp dụng một số công nghệ sản xuất, một phần đã tận dụng được chất thải nông nghiệp làm phân bón hay thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp này không nhiều và việc tận dụng nguồn chất thải cũng như xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất chưa triệt để. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song còn thiếu đồng bộ; việc bố trí ngân sách địa phương và các chính sách hỗ trợ cho công tác xử lý chất thải, phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, các hoạt động đầu tư cho cơ sở hạ tầng mới chỉ dừng lại các hạng mục cho lợi ích tức thời, ngắn hạn, chưa tính đến hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng để tận dụng tối đa các loại chất thải từ hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền phát triển mô hình KTTH trong nông nghiệp chưa được sâu, rộng. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn thiếu. Việc quản lý giám sát chất lượng nông sản và chất thải trong nông nghiệp, đặc biệt ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn khó khăn. Thậm chí có địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến quản lý chất thải hay đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất.

Để thúc đẩy ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, cần phải triển khai giải pháp:

Cơ chế chính sách: Cần thiết phải có hành lang pháp lý cũng như những hướng dẫn, quy định để các doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện KTTH trong nông nghiệp. Tùy thuộc từng nhóm ngành, sản phẩm, nguyên vật liệu và quy mô sản xuất nông nghiệp mà có những chính sách, hướng dẫn phù hợp. Các chính sách rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp và người dân thực hiện KTTH một cách hệ thống và đồng bộ, cùng với các hình thức khuyến khích (ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính, tài chính, tiếp cận các nguồn lực) và chế tài minh bạch. Từ đó, các mô hình KTTH trong nông nghiệp tốt được khuyến khích và tạo hiệu ứng thực hiện KTTH trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội.

Ứng dụng khoa học công nghệ: Việc nghiên cứu đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thật tiên tiến là cơ hội để thực hiện phát triển KTTH trong sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, để phát triển KTTH phải có đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết được các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình sản xuất. Ngoài ra, cần phát triển chuỗi cung ứng cung cấp cho người tiêu dùng thân thiện với môi trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường các nước.

Hoàn thiện, nhân rộng phát triển các mô hình KTTH phù hợp: Do đặc tính tự nhiên, văn hóa xã hội của mỗi vùng, miền và địa phương khác nhau, ở đó đã có những mô hình gần với KTTH, do vậy phát triển các mô hình KTTH phải dựa trên quá trình hình thành và phát triển ở đó…

Dựa trên cơ sở đặc trưng ngành lĩnh vực đã áp dụng KTTH để hoàn thiện, phát triển và nhân rộng…Ngoài ra, cần khuyến khích các biện pháp sử dụng “thiên địch” trong nuôi trồng và chăn nuôi, hỗ trợ để phát triển, thay thế cho việc sử dụng hóa chất.

Đẩy mạnh công tác truyền thông: Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người người dân về phát triển các mô hình KTTH trong sản xuất trong nông nghiệp, hiệu quả của các mô hình này và những lợi ích mà phát triển mô hình KTTH mang lại, từ đó sẽ loại bỏ dần các mô hình sản xuất nông nghiệp cũ, lạc hậu.

Phạm Thị Trầm

Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *