Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị Văn phòng đăng ký đất đai và hệ thống thông tin đất đai năm 2020 nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị.
Cùng dự, có đại diện lãnh đạo Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Thế giới; đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo Sở TN&MT 63 tỉnh, thành và các Văn phòng, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Về phía Bộ TN&MT có Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Chu An Trường; lãnh đạo các đơn vị: Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai…
Hai năm giải quyết hơn 7,7 triệu hồ sơ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính (thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 05 – 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 – 95% so với quy định).
Bên cạnh đó, các Văn phòng đăng ký đất đai chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống; người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được tiếp cận với hệ thống tổ chức chuyên nghiệp, thuận lợi và linh hoạt khi có nhu cầu thực hiện các giao dịch về đất đai. Cả nước hiện nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố thành lập Văn phòng đăng ký đất đai. Chỉ tính riêng 2 năm vừa qua, toàn hệ thống văn phòng đăng ký đất đai đã giải quyết hơn 7,7 triệu hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo khảo sát của PAPI công bố ngày 28/4/2020, tỷ lệ người dân phản ánh phải “bôi trơn” khi làm thủ tục sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015, mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ này tăng 13% so với năm 2016, tỷ lệ người dân phản ánh không phải đi qua nhiều cửa khi làm thủ tục cấp GCN đạt 80,72%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tới đây, nhiệm vụ trọng tâm là phải đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, làm nền tảng vững chắc cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính về đất đai nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, đáp ứng xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai
Tại Hội nghị đã tập trung thảo luận 3 vấn đề: Một là, đánh giá những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai từ khi thành lập đến nay. Cụ thể, tồn tại, hạn chế về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, trụ sở làm việc, kho lưu trữ, hệ thống trang thiết bị phục vụ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và cơ chế hoạt động…, đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính, tạo nguồn thu ổn định, bảo đảm việc tái đầu tư và phát triển cho hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và Hệ thống thông tin đất đai, Hội nmghij đã tập trung thảo luận, đánh giá những vấn đề còn tồn tại, hạn chế về cơ chế tài chính, quy định của pháp luật, công nghệ hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, những mô hình, cách làm hay tại một số địa phương… để tiếp tục hoàn thiện giải pháp đảm bảo hoàn thành việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về đất đai trong cả nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác. Một số nơi đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, vận hành thống nhất liên thông xã – huyện – tỉnh và đã đưa vào khai thác sử dụng để thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai và cung cấp thông tin về đất đai cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay mới hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho hơn 190 huyện (chiếm khoảng 27% số huyện cả nước).
Ba là, về thực hiện liên thông thuế và thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, những vấn đề cốt yếu để đẩy mạnh việc liên thông thuế và thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ và cổng dịch vụ công của tỉnh.
Hiện nay một số địa phương đã thực hiện việc chia sẻ, cung cấp thông tin đất đai với ngành thuế để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Việc xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân thông qua hệ thống đã giảm số ngày giải quyết hồ sơ từ 05 ngày xuống còn 03 ngày làm việc.
“Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Hội nghị sẽ giúp tìm ra giải pháp trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời là cơ sở cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, kiến tạo thêm động lực cho phát triển và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo chỉ đạo của Thủ tướng” – Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.
Đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, cải cách hành chính
Đánh giá hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, thực hiện pháp luật đất đai năm 2013, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, UBND các cấp đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Việc quản lý, sử dụng đất ngày càng chặt chẽ và đi vào nề nếp. Đến nay, việc cấp giấy chứng nhận (GCN) đã cơ bản hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, việc hình thành, hoàn thiện hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai là tổ chức dịch vụ sự nghiệp công lập đóng vai trò quan trọng đối với các kết quả này.
Hiện cả nước đã có 59/63 tỉnh đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với 656 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên phạm vi 667 đơn vị hành chính cấp huyện; còn lại 4 tỉnh chưa thành lập bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Điện Biên.
Về cơ bản mỗi đơn vị hành chính cấp huyện đều có một Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; riêng thành phố Hà Nội có một chi nhánh thành lập và hoạt động theo khu vực (quản lý 3 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình), Hà Tĩnh có 6/7 chi nhánh hoạt động theo mô hình liên huyện; huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị không có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; thành phố Lai Châu không thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, các nhiệm vụ tại thành phố Lai Châu do Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lai Châu thực hiện.
Theo kết quả tổng hợp của 56 tỉnh, thành phố, trong 2 năm 2018 – 2019 là khoảng 7,7 triệu hồ sơ, trong đó năm 2018 đã giải quyết được 3,4 triệu hồ sơ/56 tỉnh (trung bình hơn 61 nghìn hồ sơ/tỉnh/năm); năm 2019 đã giải quyết gần 4,0 triệu hồ sơ/56 tỉnh (trung bình 69 nghìn hồ sơ/tỉnh/năm). Một số Văn phòng đăng ký đất đai đã áp dụng hệ thống điện tử để giải quyết thủ tục trong công tác cấp Giấy chứng nhận hoặc đang trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (Kon Tum, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Hậu Giang). Một số địa phương đã phối hợp với bưu điện của tỉnh để chuyển phát hồ sơ giữa Văn phòng đăng ký đất đai với các chi nhánh (Lạng Sơn, Đắk Nông, Lâm Đồng).
Qua quá trình hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai đã đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính một cách mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực đất đai liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác, hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tiến tới xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia hiện đại, tập trung thống nhất. Một số địa phương đã tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, vận hành thống nhất liên thông xã – huyện – tỉnh và đã đưa vào vận hành cho công tác quản lý, khai thác sử dụng để cung cấp thông tin đất đai; các thủ tục hành chính về đất đai, cấp Giấy chứng nhận được thực hiện trực tiếp trong cơ sở dữ liệu địa chính từ việc tiếp nhận hồ sơ luân chuyển đến thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn. Một số địa phương đang tiến hành tổ chức chia sẻ, cung cấp thông tin đất đai với ngành thuế để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; bắt đầu thực hiện dịch vụ công về đất đai trên môi trường điện tử thông qua Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai còn gặp không ít khó khăn trong công tác như: về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, tài chính, trụ sở làm việc, kho lưu trữ trang thiết bị…
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các khó khăn vướng mắc khi triển khai Văn phòng ở các địa phương, qua đó, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện chính sách về hệ thống này.
Đại diện Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, khi hoạt động Văn phòng còn gặp một số khó khăn như: Do hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ nên thời gian giải quyết các vấn đề liên thông, cung cấp thông tin từ các cơ quan khác (Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp phường..) chưa kịp thời dẫn đến thời gian giải quyết các TTHC chưa được đảm bảo.
Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, do chưa có cơ chế tạo nguồn thu phù hợp, việc thu chủ yếu qua phí. Vì vậy giai đoạn vừa qua đơn vị thiếu kinh phí hoạt động, không có điều kiện trang bị thiết bị làm việc, cơ sở dữ liệu đất đai chưa được hoàn thiện…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân chia sẻ và ghi nhận ý kiến của Văn phòng Đăng ký đất đai ở các địa phương. Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục Quản lý đất đai ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để khi tổng kết Nghị quyết 19 – NQ/TW, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai xây dựng cơ chế, nhiệm vụ của Văn phòng cho phù hợp.
Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố tăng cường thanh kiểm tra các Văn phòng và chi nhánh nhằm kịp thời chấn chỉnh sai phạm, đồng thời phát hiện những bất cập, khó khăn để báo cáo đề xuất tháo gỡ, xử lý.
Về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần quan tâm tới công tác này nhằm sớm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, chia sẻ với các ngành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, quản lý Nhà nước.
Theo Trường Giang/monre.gov.vn
Dẫn theo nguồn: http://www.monre.gov.vn/Pages/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-he-thong-van-phong-dang-ky-dat-dai,-kien-tao-them-dong-luc-cho-phat-trien-va-dong-hanh-cung-nguoi-dan,-doanh-nghiep.aspx