Tập trung xây dựng Nghị định quản lý hoạt động lấn biển

Nghị định quy định về hoạt động lấn biển được đề xuất xây dựng nhằm thể chế hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8  khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Nghị định được ban hành nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ để quản lý hiệu quả, bền vững hoạt động lấn biển; tăng cường công tác quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và công tác quản lý đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định yêu cầu phải bám sát các quan điểm, định hướng cụ thể là: (1). Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển và quản lý đất đai; phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo. (2). Bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt là quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các pháp luật có liên quan. (3). Bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; phân tích, đánh giá đầy đủ chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường nhằm phát triển bền vững; bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ, cụ thể, khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. (4). Bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan và quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng.

Trong quá trình soạn thảo Nghị định, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy pháp pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện hoạt động xây dựng, tham vấn và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lấn biển, cụ thể như sau:

Ngày 20 tháng 4 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 374/QĐ-BTNMT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định lấn biển. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổ chức trao đổi, tham vấn các cơ quan, tổ chức nghiên cứu và các chuyên gia trong nước và quốc tế về nội dung dự thảo Nghị định quy định lấn biển. Tổ biên tập đã có nhiều cuộc họp để trao đổi, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Ngày 28 tháng 5 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tham vấn dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển với sự tham gia của các bộ, ngành trung ương, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học và các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Ngày 21 tháng 5 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2738/BTNMT-PC gửi các bộ, ngành, địa phương có biển để lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định lấn biển; đăng tải dự thảo Nghị định để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được văn bản góp ý của 14 Bộ, ngành trung ương và 18 địa phương có biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Nghị định (Bảng tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của bộ, ngành địa phương gửi kèm theo).

Ngày 29 tháng 6 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo trực tuyến để lấy ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản góp ý cho dự thảo Nghị định. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của VCCI và các doanh nghiệp tham dự Hội thảo và hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Ngày 12 tháng 7 năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan để nghe báo cáo về dự thảo Nghị định. Ngày 19 tháng 7 năm 2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 193/TB-VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Ngày 06 tháng 8 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập cho ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định (họp trực tuyến) với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và hoàn thiện dự thảo Nghị định và hồ sơ có liên quan.

Ngày 16 tháng 9 năm 2021 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5466/BTNMT-PC gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định dự thảo Nghị định. Ngày 21 tháng 9 năm 2021, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định đối vơi dự thảo Nghị định với sự tham gia của các bộ, ngành và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Theo đó, ngày 29 tháng 9 năm 2021, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định đối với dự thảo Nghị định (Báo cáo số 143/BCTĐ-BTP gửi kèm theo).

Song song gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 5440 ngày 06 tháng 9 năm 2021 gửi xin ý kiến góp ý lần 2 của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có biển về dự thảo Nghị định sau khi đã tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 23/28 địa phương có biển gửi văn bản góp ý.

Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến góp ý lần 2 của các địa phương có biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định, góp ý và hoàn thiện dự thảo Nghị định. Cụ thể:

Về bố cục dự thảo Nghị định, dự thảo Nghị định hiện nay bao gồm 4 chương, 19 điều, kèm theo 06 biểu mẫu và được bố cục như sau:

Chương 1. Những quy định chung (5 điều, từ Điều 1 đến Điều 5) bao gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc lấn biển, yêu cầu lấn biển và trách nhiệm quản lý nhà nước về lấn biển.

Chương 2. Quản lý hoạt động lấn biển (8 điều, từ Điều 7 đến Điều 14) bao gồm 02 mục: (1) Khu vực lấn biển, phương án lấn biển (gồm các quy định về khu vực lấn biển, phương án lấn biển; (2) Giao khu vực biển để lấn biển (gồm thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển, giao khu vực biển để lấn biển, gia hạn thời hạn giao khu vực biển để lấn biển, điều chỉnh Quyết định giao khu vực biển để lấn biển, thu hồi và tước quyền sử dụng Quyết định giao khu vực biển để lấn biển, nghiệm thu hoàn thành lấn biển.

Chương 3. Quản lý, sử dụng đất lấn biển (02 điều, Điều 15 và Điều 16) bao gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lấn biển; giao đất, cho thuê đất lấn biển.

1.4. Chương 4. Điều khoản thi hành (03 Điều, từ Điều 18 đến Điều 20) bao gồm: điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

Những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

Chương 1: Những quy định chung.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: dự thảo Nghị định này quy định về quản lý hoạt động lấn biển và quản lý, sử dụng đất lấn biển trong các vùng biển Việt Nam, trừ lấn biển phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh. Dự thảo Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động lấn biển và quản lý, sử dụng đất lấn biển.

Về nguyên tắc lấn biển: dự thảo Nghị định quy định 06 nguyên tắc gồm: (1) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của các luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (2) Dựa trên phân tích, đánh giá đầy đủ chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường bảo đảm phát triển bền vững; tính toán đầy đủ các yếu tố tự nhiên…; (3) Phù hợp với Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; (4) Hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa và không ảnh hưởng tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vùng và địa phương có liên quan…; (5) Bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan và quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng;

Về yêu cầu lấn biển: dự thảo Nghị định quy định 05 yêu cầu: (1) Việc lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục đầu tư và phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; (2) Được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ thực hiện lấn biển khi được cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển; (3) Phương pháp, giải pháp kỹ thuật, vật liệu lấn biển và hạng mục công trình lấn biển phải bảo đảm phù hợp các quy chuẩn, quy định kỹ thuật và phải xem xét, đánh giá tác động đến điều kiện tự nhiên, chế độ thủy động lực, giá trị dịch vụ hệ sinh thái vùng bờ, tài nguyên biển và sức chịu tải của môi trường biển; (5) Đất, đá và vật liệu khác dùng để lấn biển không chứa các chất phóng xạ, bức xạ, hóa chất độc và phải tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; bảo đảm không gây ô nhiễm, sự cố môi trường; (6) Thông tin về dự án lấn biển phải được thông báo rộng rãi trong nước và quốc tế trước ngày thi công lấn biển và thực hiện thông báo hàng hải theo quy định của pháp luật về hàng hải.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về lấn biển: dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lấn biển, cấp phép lấn biển, thanh tra, kiểm tra hoạt động lấn biển và quản lý, sử dụng đất lấn biển theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, cấp phép lấn biển, thanh tra, kiểm tra hoạt động lấn biển và quản lý, sử dụng đất lấn biển trên địa bàn; Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, kiểm tra hoạt động lấn biển trên địa bàn. Dự thảo Nghị định cũng quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm hướng dẫn, ban hành quy chuẩn, quy định kỹ thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật liên quan đến việc lấn biển.

Chương II: Quản lý hoạt động lấn biển

Về khu vực lấn biển: dự thảo Nghị định quy định khu vực lấn biển phải được xác định cụ thể vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, tọa độ trên nền bản đồ địa hình đáy biển; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, khảo sát, xác định khu vực lấn biển trên địa bàn. Song song, dự thảo Nghị định quy định một số khu vực không thực hiện lấn biển như di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vùng đất ngập nước quan trọng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn biển, khu nuôi rồng thủy sản, khu sản xuất giống thủy sản tập trung, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; khu vực cảng biển, khu neo đậu, khu neo đậu tránh bão, khu neo đậu chuyển tải hàng hóa, luồng hàng hải .v.v…Việc lấn biển tại khu vực này chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định cho phép và việc lấn biển phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Về phương án lấn biển: dự thảo Nghị định quy định nhà đầu tư phải lập phương án lấn biển để được giao khu vực biển để lấn biển; phương án lấn biển được lập phải căn cứ vào dự án lấn biển đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thực hiện.  Nội dung phương án lấn biển gồm: (1) Mô tả khu vực lấn biển; (2) Thiết kế xây dựng dự án lấn biển; (3) Phương pháp và các giải pháp kỹ thuật lấn biển; (4) Vật liệu lấn biển và nguồn gốc vật liệu lấn biển; (5) Thời gian và nguồn vốn, dự toán chi phí lấn biển; (6) Các vấn đề môi trường và giải pháp đối với các vấn đề môi trường nêu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; (7) Đánh giá tác động kinh tế-xã hội, thiệt hại và giải pháp hạn chế, bồi thường thiệt hại cho các đối tượng có liên quan tại khu vực lấn biển và khu vực lân cận (nếu có); (8) Dự kiến kế hoạch sử dụng quỹ đất lấn biển; (9) Chế độ quan trắc, giám sát và báo cáo định kỳ

Về giao khu vực biển để lấn biển: dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giao khu vực biển để lấn biển đối với dự án lấn biển thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao khu vực biển để lấn biển các trường hợp còn lại. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển để lấn biển thì có thẩm quyền cho phép gia hạn, điều chỉnh và thu hồi quyết định giao khu vực biển để lấn biển.

Việc giao khu vực biển để lấn biển, dự thảo Nghị định quy định 03 thủ tục: (1) giao khu vực biển đểp lấn biển; (2) gia hạn thời hạn Quyết định giao khu vực biển để lấn biển; (3) điều chỉnh Quyết định giao khu vực biển để lấn biển. Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định việc thu hồi và tước quyền sử dụng Quyết định giao khu vực biển để lấn biển.

Về nghiệm thu hoàn thành lấn biển: việc nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công và nghiệm thu hoàn thành lấn biển theo quy định của pháp luật xây dựng; sau khi hoàn thành lấn biển tạo mặt bằng quỹ đất, nhà đầu tư dự án lấn biển có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp tỉnh nơi có dự án lấn biển để được kiểm tra nghiệm thu hoàn thành thi công trình lấn biển theo quy định của pháp luật xây dựng và báo cáo Sở Tài chính để quyết toán chi phí đầu tư lấn biển. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác định, cập nhật đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm tại khu vực lấn biển và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để công bố theo quy định của pháp luật; xác định, cập nhật đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm tại khu vực lấn biển và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ sung, điều chỉnh.

Chương III: Quản lý, sử dụng đất lấn biển

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lấn biển: dự thảo Nghị định quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, chỉ đạo đưa khu vực lấn biển vào phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Sau khi khu vực biển đã được đưa vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì việc quản lý, sử dụng đất lấn biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Ngoài ra, khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án đầu tư lấn biển phải dành quỹ đất dọc theo bờ biển để xây dựng công trình hạ tầng công cộng, bao gồm lối đi xuống biển nhằm bảo đảm quyền tiếp cận biển của người dân; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể quỹ đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng phù hợp với từng dự án lấn biển.

Về giao đất, cho thuê đất lấn biển: dự thảo Nghị định quy định rõ việc giao đất, cho thuê đất lấn biển đối với dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách và bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Trường hợp dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giao đất cho tổ chức được lựa chọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công để quản lý trong thời gian thực hiện lấn biển, xây dựng công trình (nếu có). Sau khi hoàn thành lấn biển và được nghiệm thu theo quy định, tổ chức được giao đất quản lý phải bàn giao toàn bộ diện tích đất lấn biển cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào từng mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư: (1) Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo hình thức thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; (2) Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư thông qua đấu thầu, việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; (3) Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu thì việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Dự thảo Nghị định quy định nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lấn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và nhà đầu tư được trừ chi phí đầu tư lấn biển vào số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp, nhưng số tiền được trừ tối đa không vượt quá tổng số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; trường hợp chi phí lấn biển vượt quá số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp thì chi phí vượt quá được tính vào chi phí đầu tư của dự án lấn biển.

Chương IV: Điều khoản thi hành

Về điều khoản chuyển tiếp: dự thảo Nghị định quy định 03 trường hợp chuyển tiếp: (1) dự án lấn biển đã có văn bản chấp thuận thực hiện dự án, đã được giao đất, cho thuê đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; (2) dự án lấn biển đã có văn bản chấp thuận thực hiện dự án và đã được giao khu vực biển trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng khu vực biển để lấn biển hoặc được đề nghị giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; (3) dự án lấn biển đã có văn bản chấp thuận thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa được giao khu vực biển thì phải được giao khu vực biển để lấn biển và được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cập nhật, bổ sung dự án lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (trong trường hợp chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) cho các trường hợp nêu trên. Đồng thời, nhà đầu tư dự án lấn biển được trừ chi phí đầu tư lấn biển vào số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp, nhưng số tiền được trừ tối đa không vượt quá tổng số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; trường hợp chi phí lấn biển vượt quá số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp thì chi phí vượt quá được tính vào chi phí đầu tư của dự án lấn biển. Nhà đầu tư dự án lấn biển đã nộp tiền sử dụng khu vực biển thì được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.

Về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành: dự thảo Nghị định quy định Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021; đồng thời bãi bỏ, sửa đổi một số một số quy định lấn biển của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật (các quy định về lấn biển chỉ quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật). Dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm thi hành của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp.

Dẫn theo nguồn: http://cspl-tnmt.monre.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/tap-trung-xay-dung-nghi-dinh-quan-ly-hoat-dong-lan-bien.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *