Ngày 8/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chủ trì tại cuộc họp trực tuyến
Tham dự cuộc họp trực tuyến tại các điểm cầu có đại diện các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện của các đơn vị thuộc Bộ có liên quan: Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, các cán bộ của Cục Quản lý tài nguyên nước.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước.
Triển khai nhiệm vụ nêu trên, thực hiện các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 190/QĐ-BTNMT ngày 26/1/2022 thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định. Trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các Bộ liên quan, các địa phương tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 201/2013/NĐ-CP để xác định những nội dung còn bất cập, vướng mắc thực hiện trong thực tế, những vấn đề phát sinh trong quy định của pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật liên quan để xác định nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở đó, Bộ đã tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 6/01/2022, Bộ TN&MT đã có Công văn gửi 6 Bộ và 63 địa phương về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 201/2013/NĐ-CP. Đến ngày 3/4/2022, đã có 47/63 địa phương, 5/6 Bộ gửi Báo cáo tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 201/2013/NĐ-CP. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ và địa phương và trên cơ sở rà soát, đánh giá việc thực thi Nghị định, Bộ TN&MT nhận thấy một số vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thi hành Nghị định 201/2013/NĐ-CP như sau: Cần phải đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, trong đó có nội dung các biểu mẫu, báo cáo tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước để bảo đảm phù hợp với hiện trạng khai thác, sử dụng nước của các đối tượng, nhất là các công trình thủy lợi.
Ngoài ra, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc cấp phép khai thác nước mặt tại công trình hồ chứa, đập dâng, các công trình khai thác, sử dụng nước khác từ các hồ chứa, kênh dẫn,… của hệ thống công trình thủy lợi đã được xây dựng từ lâu nên bị xuống cấp; không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa; hồ sơ, tài liệu bị thất lạc; quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ trả lại giấy phép và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan; bổ sung cụ thể các trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển, nước dưới đất phải đăng ký; quy định cụ thể các trường hợp thay đổi, điều chỉnh quy mô công trình cho phù hợp với thẩm quyền cấp phép của Bộ và địa phương; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện thực hiện cấp phép theo chủ trương của Chính phủ;…..
Từ những vướng mắc nêu trên trong quá trình thực hiện, đa số các địa phương, các Bộ đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, cụ thể: Đề xuất sổ sung các trường hợp không phải đăng ký, không phải xin phép gồm hồ chứa thủy lợi có dung tích toàn bộ không vượt quá 0,05 triệu m3; khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác; bổ sung cụ thể các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, cấp phép (bao gồm cả nước mặt, nước biển, nước dưới đất) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước, trong đó, có các hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước khi có sự thay đổi sơ đồ, vị trí công trình khai thác; có sự thay đổi về mục đích, sử dụng nước theo quy định của giấy phép được cấp trước đó; có sự thay đổi về chế độ khai thác, bao gồm cả việc chuyển sang chế độ khai thác dự phòng; quy định về trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước theo hướng đơn giản hóa, dễ thực hiện.
Đề xuất bổ sung trình tự, thủ tục, hồ sơ trả lại giấy phép khai thác tài nguyên nước theo hướng nhanh chóng, thuận tiện. Phân cấp, phân quyền cho địa phương đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Việc chấp thuận sử dụng mặt nước mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí. Quy định cụ thể các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan; các đối tượng liên quan trong việc lấy ý kiến.
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc quản lý, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Quy định cụ thể thời điểm phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho phù hợp với thực tế.
Đề xuất sửa đổi Khoản 7 Điều 7 của Nghị định số 136/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo hướng giảm điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ chuyên môn (người phụ trách kỹ thuật) của tổ chức lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
Đồng thời, đề xuất sửa đổi, đơn giản hóa về mẫu đơn, mẫu giấy phép, nội dung các đề án, báo cáo trong hồ sơ cấp phép tài nguyên nước tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước vào dự thảo Nghị định.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh báo cáo tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT, Nghị định sẽ trình Bộ trong tháng 10/2022 và trình Chính phủ tháng 11/2022. Vì vậy, để bảo đảm tiến độ xây dựng, ban hành Nghị định, thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tập trung tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo sau cuộc họp Ban soan thảo, Tổ biên tập, gửi dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình để lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, đăng tải dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ để lấy ý kiến. Đồng thời sẽ tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp thẩm định; tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp và dự kiến hoàn thiện trình Bộ, trình Chính phủ trong tháng 8/2022.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, các đại biểu cơ bản thống nhất các nội dung trong Dự thảo Nghị định do Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì xây dựng. Đồng thời, tập trung thảo luận về các nội dung để nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và phù hợp với quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính và khắc phục những hạn chế, bất cập của một số quy định.
Góp ý tại cuộc họp, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, trong thành phần hồ sơ trình sửa đổi Nghị định số 201/2013/NĐ-CP cần bổ sung thêm số liệu kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm vào báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 201/2013/NĐ-CP nhằm làm rõ kết quả đạt được và các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định. Đại diện Bộ Công Thương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi và Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước để đảm bảo thống nhất chức năng, nhiệm vụ của các Bộ liên quan đến nội dung quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh nước mặt trong các hồ chứa nước và trong các công trình thủy điện cấp đặc biệt.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng kiến nghị, Dự thảo Tờ trình sửa đổi Nghị định số 201/2013/NĐ-CP cần phân tích rõ hơn cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; bổ sung một số nội dung nhằm tăng tính thuyết phục về sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định, trong đó nhấn mạnh các nội dung về tăng cường phân cấp cho các địa phương và hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước;…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm đồng bộ với các quy định của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đang triển khai thực hiện, đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước 2012.
Vì vậy, để bảo đảm tiến độ xây dựng, ban hành Nghị định, thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên rà soát một số nội dung được kiến nghị xem xét bổ sung theo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo tại cuộc họp này để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, đồng thời, đăng tải lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT theo quy định.
Thanh Tâm (Theo monre.gov.vn)
Dẫn nguồn theo: https://monre.gov.vn/Pages/hop-ban-soan-thao,-to-bien-tap-xay-dung-nghi-dinh-sua-doi,-bo-sung-mot-so-dieu-cua-nghi-dinh-so-2012013ndcp-cua-chinh-phu.aspx?cm=Tin%20t%E1%BB%A9c%20-%20S%E1%BB%B1%20ki%E1%BB%87n