Phí bảo vệ môi trường là một công cụ kinh tế hữu hiệu được sử dụng phổ biến ở các nước trên thế giới để ngăn ngừa người gây ô nhiễm thải chất thải ra môi trường, tạo khoản thu để bù đắp các chi phí quản lý, bảo vệ môi trường dựa trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Đến nay, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đã được áp dụng tại hầu hết các nước thuộc Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Singapore, Philippines…thông qua việc quy định mức phí đối với khí thải phát sinh ra môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Ở nước ta, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường, bên cạnh các công cụ pháp lý, hành chính, Việt Nam đang triển khai thực hiện các công cụ kinh tế như thuế, phí môi trường, các biện pháp ký quỹ, đặt cọc, quỹ môi trường,… Những công cụ kinh tế này dựa trên các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường; vừa tạo nguồn thu để đầu tư trở lại cho môi trường; vừa điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân theo hướng hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, hướng tới các hoạt động khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững; đồng thời khuyến khích các chủ thể đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện hơn với môi trường. Chính sách phí, lệ phí đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thu NSNN cũng như điều tiết hoạt động kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường của đất nước.
Nhận thức rõ vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến việc thực hiện chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường nói chung và phí bảo vệ môi trường đối với khí thải nói riêng. Trong đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đưa ra giải pháp “Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường. Từng bước thực hiện việc thu phí, ký quỹ bảo vệ môi trường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã chỉ đạo “Quán triệt và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường” để đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định “Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường” (khoản 1 Điều 148).
Thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật này, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải bắt đầu được triển khai từ năm 2004. Đối với chất thải rắn, không thực hiện thu phí mà thực hiện cơ chế thu giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Nhìn chung, việc triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cũng như thu giá dịch vụ đối với chất thải rắn trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực; là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giám sát, theo dõi các đối tượng xả thải, nhất là các nguồn thải lưu lượng lớn, có tác động nhiều đến môi trường; nguồn thu góp phần tăng cường kinh phí cho công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương.
Mặc dù vậy, thực tế bức tranh về môi trường ở nước ta hiện nay cho thấy, ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm chất lượng môi trường không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do sự gia tăng phát thải khí từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhất là các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; từ các phương tiện giao thông vận tải… Tuy nhiên, đến nay, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải chưa được quy cụ thể để triển khai thực hiện, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.
Nhằm giải quyết vấn đề nêu trên, thể chế hóa quy định cụ thể các quy định pháp luật liên quan, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 1779/VPCP-KTTH ngày 09/3/2020 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (sau đây gọi tắt là Đề án), gửi Bộ Tài chính để xây dựng Nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Xuất phát từ những nội dung trên đây cho thấy, việc xây dựng “Đề án phí bảo vệ môi trường đối với khí khải” là vấn đề cấp thiết hiện nay góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nói chung và khí thải nói riêng, đồng thời thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Việc xây dựng quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được xác định có tính chất lâu dài với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành liên quan, cơ quan thu phí tại địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở. Đối với bối cảnh hiện nay, để không gây thêm sức ép cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trong Đề án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung nghiên cứu, xác định đối tượng chịu phí, phương thức xác định, tính toán số phí phải nộp đảm bảo tiêu chí về phí nêu trên, đồng thời phải dễ thực hiện, đảm bảo tính khả thi đối với cả người nộp phí và cơ quan thu phí.
Dẫn theo nguồn: http://cspl-tnmt.monre.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/xay-dung-de-an-phi-bao-ve-moi-truong-doi-voi-khi-khai-la-van.html